Học thuyết kinh tế vi mô về mức sinh (Microeconomic theories of fertility) là gì?
Mục Lục
Học thuyết kinh tế vi mô về mức sinh
Học thuyết kinh tế vi mô về mức sinh trong tiếng Anh gọi là: Microeconomic theories of fertility.
Học thuyết kinh tế vi mô về mức sinh là lí thuyết về dân số mà các nhà kinh tế sử dụng để bàn về mối quan hệ giữa dân số với phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng tài nguyên và môi trường. Với nội dung phân tích như sau:
Trong các phân tích mức sinh dựa vào lí thuyết kinh tế vi mô, trẻ em được nhìn nhận như những hàng hoá mang lại độ thoả dụng cho người tiêu dùng trong một thời gian dài.
Theo lí thuyết hành vi người tiêu dùng, các cá nhân (trong trường hợp này là các ông bố, bà mẹ).
Với mức thu nhập nhất định sẽ cố gắng tối đa hoá mức thoả dụng của mình thông qua việc lựa chọn tiêu dùng các hàng hoá hàng ngày, các hình thức dịch vụ, nghỉ ngơi, dụ lịch…
Và lựa chọn việc cần sinh bao nhiêu con để có thể bảo đảm điều kiện thu nhập, lao động cũng như các nhu cầu học hành, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần cho con cái.
Sự lựa chọn của họ chịu ảnh hưởng của thu nhập và giá cả của các loại hàng hoá.
Giá cả của con cái chính là các chi phí kinh tế cho trẻ em, bao gồm chi phí tài chính (thức ăn, quần áo, nhà ở, học hành, thuốc men…) và chi phí cơ hội (chi phí hay thu nhập mà cha mẹ mất đi như nghỉ việc hoặc từ bỏ cơ hội tham gia các hoạt động xã hội khác để nuôi con…).
Ở các nước phát triển, chi phí kinh tế cho trẻ em khá cao; đặc biệt, sự gia tăng mức độ tham gia của phụ nữ vào lao động và tiền lương cao hơn trên thị trường đã làm tăng thêm chi phí cơ hội của trẻ em.
(Ở Mỹ, tổng chi phí kinh tế cho đứa con thứ nhất, đến 18 tuổi của một gia đình có mức sống trung bình ước tính khoảng 100.000 đô la Mỹ (1977) còn ở Australia, chi phí cơ hội của một bà mẹ có 2 con là 400.000 đô la Úc (1986).).
Mặt khác, khi thu nhập tăng, các ông bố bà mẹ muốn con cái họ được chăm sóc, học hành tốt hơn, tức là họ thích mặt "chất lượng" hơn là "số lượng". Sự lựa chọn số con mong muốn, mặt khác, còn phụ thuộc vào những lợi ích kinh tế mà cha mẹ hi vọng nhận được từ con cái trong tương lai.
Trong xã hội phát triển, con cái ít có thời gian để chăm sóc và trợ giúp bố mẹ hơn, đồng thời các khoản lương hưu và trợ cấp xã hội được đảm bảo khiến cho cha mẹ già không bị lệ thuộc vào sự phụng dưỡng của con cái nữa.
Như vậy, với các nước phát triển, trẻ em không phải là một lĩnh vực đầu tư tốt vì chi phí thì cao mà lợi ích kinh tế lại thấp.
Ngược lại, ở các nước đang phát triển, chi phí cho trẻ em thấp hơn nhiều, đặc biệt là ở vùng nông thôn và những nơi trẻ em không đi học, phụ nữ ít tham gia lao động xã hội.
Ở những nơi này, lợi ích từ con cái lại tương đối lớn vì ngay từ lúc còn ít tuổi, trẻ em đã có thể lao động để đóng góp vào thu nhập của gia đình; khi cha mẹ già, con cái có thể trợ giúp về kinh tế và chăm sóc lúc ốm đau. Do đó, khi kinh tế - xã hội chưa phát triển, thì mức sinh cao, hiện tượng "con đàn cháu đống" là điều dễ thấy.
Sự phân tích hành vi sinh đẻ được thể hiện trong mô hình cung - cầu cơ bản như sau:
Hình 1. Cầu về số con trong gia đình
MC1: Chi phí cận biên của con cái khi kinh tế - xã hội chưa phát triển
MC2: Chi phí cận biên của con cái khi kinh tế - xã hội phát triển
D1 = MB1: Cầu = Lợi ích cận biên của con cái khi kinh tế - xã hội chưa phát triển
D2 = MB2: Cầu = Lợi ích cận biên của con cái khi kinh tế - xã hội phát triển
Tóm lại, mối quan hệ giữa phát triển và hành vi sinh con là quan hệ hai chiều. Tỉ lệ sinh giảm xuống là do các yếu tố cơ bản:
- Phụ nữ có trình độ ngày một cao, có việc làm và thu nhập ổn định, có vị trí xã hội
- Thu nhập của các gia đình tăng, nhu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc con cái cao hơn
- Hệ thống chăm sóc sức khoẻ và dịch vụ xã hội tốt, có quan hệ xã hội tạo cuộc sống tinh thần thoải mái.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình kinh tế và quản lí môi trường, Nguyễn Thế Chinh, Đại học Kinh tế Quốc dân)