Bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị (Condition based preventive maintenance) là gì?
Mục Lục
Bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị
Bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị trong tiếng Anh gọi là: Condition based preventive maintenance.
Bảo dưỡng phòng ngừa theo tình trạng thiết bị là phương pháp bảo dưỡng phòng ngừa tiên tiến được phát triển từ bảo dưỡng phòng ngừa theo thời gian, được áp dụng trong các ngành công nghiệp khoảng từ giữa những năm 1950.
Nội dung chính của phương pháp này là: Doanh nghiệp xác định chế độ bảo dưỡng thiết bị trên cơ sở thực trạng kĩ thuật- công nghệ của thiết bị.
Quá trình
Trước hết, trạng thái và các thông số làm việc của các máy móc thiết bị hoạt động trong dây chuyền sẽ được giám sát bởi một hệ thống giám sát và chẩn đoán tình trạng thiết bị (thiết bị riêng lẻ hoặc toàn bộ dây chuyền).
Hệ thống giám sát sẽ chịu trách nhiệm theo dõi một cách thường xuyên, liên tục các hiện tượng xuất hiện trong quá trình làm việc của thiết bị như tiếng ồn, độ rung, nhiệt độ... kiểm tra tình trạng thực tế của thiết bị, so sánh chúng với các thông số thiết kế.
Từ đó, người ta phát hiện các trạng thái bất thường của thiết bị, dự báo và xác định một cách chính xác nhất có thể về xu hướng hư hỏng của thiết bị.
Hệ thống phân tích và chẩn đoán tình trạng thiết bị sẽ chịu trách nhiệm phân tích các kết quả thu được từ hệ thống giám sát, thông báo chính xác vị trí, mức độ hư hỏng giúp người sử dụng kịp thời điều chỉnh hoặc thay thế các phần hư hỏng tránh các hư hỏng theo dây chuyền.
Hệ thống này còn cho phép xây dựng một bộ hồ sơ dữ liệu về thiết bị (lí lịch máy), qua đó có thể chẩn đoán các nguyên nhân gây hỏng hóc thường gặp (cùng với các dấu hiệu nhận biết đặc thù) và hướng dẫn/ hỗ trợ tìm cách khắc phục, ngăn ngừa.
Theo phương pháp này, thay vì sửa chữa, bảo dưỡng theo chu kì thời gian, người sử dụng sẽ giám sát tình trạng của các thiết bị thông qua các phép đo và kiểm tra theo chu kì thời gian.
Tùy theo tình trạng hoạt động của thiết bị, mức độ phức tạp và quan trọng của nó mà người ta xác định các khoảng thời gian đo phù hợp. Ví dụ đối với các tua bin thì đo và giám sát liên tục, với các quả lô, ổ lăn, các phép đo sẽ được thực hiện hàng ngày, còn với động cơ điện thì chỉ cần đo 2 lần trong tháng là đủ.
Ưu điểm
Việc quản lí chặt chẽ tình trạng các thiết bị còn cho phép chủ động trong lịch bảo dưỡng cũng như trong kế hoạch sản xuất, giúp doanh nghiệp có độ chắc chắn cao hơn khi tiếp nhận các đơn hàng lớn.
Vì chi phí cho công việc thực hiện các phép đo và phân tích định kì (khi máy móc chưa hư hỏng, không bị sức ép về thời gian) nhỏ hơn rất nhiều so với với công việc sửa chữa;
Độ an toàn và độ tin cậy của dây chuyền rất cao do được giám sát chặt chẽ nên phương pháp bảo dưỡng này đựoc coi là giải pháp kĩ thuật ưu việt cho việc quản lí bảo dưỡng ở cấp độ nhà máy và các dây chuyền công nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí kĩ thuật và công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)