Hiệu ứng nhà chọc trời (Skyscraper Effect) là gì? Chỉ trích về hiệu ứng nhà chọc trời
Mục Lục
Hiệu ứng nhà chọc trời
Hiệu ứng nhà chọc trời trong tiếng Anh là Skyscraper Effect.
Hiệu ứng nhà chọc trời là một chỉ số kinh tế liên kết việc xây dựng các tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới với sự khởi đầu của một cuộc suy thoái kinh tế. Giả thuyết này cho rằng có một mối tương quan thuận chiều giữa sự phát triển của các tòa nhà cao tầng và suy thoái tài chính.
Chỉ số Nhà chọc trời được công bố lần đầu tiên vào năm 1999 và cho rằng không chỉ có mối tương quan giữa cả hai sự kiện mà tốc độ tăng chiều cao của tòa nhà có thể là thước đo chính xác về mức độ của cuộc khủng hoảng xảy ra sau đó.
Mối tương quan giữa việc xây dựng một tòa nhà chọc trời phá kỉ lục về chiều cao của một tòa nhà khác và một cuộc khủng hoảng kinh tế theo sau có thể được giải thích theo vài cách. Đổ vỡ kinh tế thường xảy ra sau một thời kì bùng nổ kinh tế với đặc trưng là GDP cao hơn, tỉ lệ thất nghiệp thấp và giá tài sản tăng.
Khi một dự án như xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới nhận được tài trợ đủ để bắt đầu khởi công, nền kinh tế của nước đó có thể được xem là đã mở rộng đến mức khả năng đổ vỡ trong tương lai gần là rất cao.
Do đó, việc xây dựng một tòa nhà chọc trời khổng lồ cho thấy nền kinh tế mở rộng đã đạt đến đỉnh điểm và cần phải tự điều chỉnh bằng cách trải qua giai đoạn suy thoái trong tương lai gần.
Ví dụ về hiệu ứng nhà chọc trời
Cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu vào đầu những năm 1930 ngay sau khi hoàn thành Tòa nhà Empire State vào năm 1931, là tòa nhà cao nhất thế giới tại thời điểm đó.
Tháp đôi Petronas được xây dựng tại Kuala Lumpur, Malaysia năm 1998 là tòa nhà cao nhất thế giới vào thời điểm đó và trùng với cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á lên đến đỉnh điểm vào năm 1998.
Chỉ trích về hiệu ứng nhà chọc trời
Năm 2015, các nhà kinh tế học Jason Barr, Bruce Mizrach và Kusum Mundra đã tiến hành nghiên cứu và phân tích chuyên sâu về mối quan hệ giữa chiều cao nhà chọc trời và chu kì kinh doanh.
Họ đưa ra giả thuyết rằng nếu xây dựng các tòa nhà cao nhất là một dấu hiệu cho thấy chu kì kinh doanh đã đạt đến đỉnh điểm, thì kế hoạch xây dựng các tòa nhà này cũng có thể được sử dụng để dự báo tăng trưởng GDP.
Họ so sánh mức tăng trưởng GDP trên đầu người ở Mỹ, Canada, Trung Quốc và Hồng Kông, với chiều cao của các tòa nhà cao nhất ở các quốc gia này. Họ kết luận rằng trong thời kì kinh tế bùng nổ, những người xây dựng nhà chọc trời có xu hướng tăng chiều cao tòa nhà để tận dụng thu nhập tăng kéo theo nhu cầu tăng thêm diện tích văn phòng.
Nghiên cứu kết luận rằng mặc dù chiều cao nhà chọc trời không thể được sử dụng để dự báo sự thay đổi trong GDP, GDP có thể được sử dụng để dự đoán sự thay đổi về chiều cao của chúng. Nói cách khác, một tòa nhà được xây dựng cao đến mức nào phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nhưng không báo hiệu suy thoái sắp xảy ra.
(Theo investopedia)