Hiệu suất sử dụng vốn (Efficient Capital) là gì? Các chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn
Mục Lục
Hiệu suất sử dụng vốn (Efficient Capital)
Hiệu suất sử dụng vốn - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Efficient Capital.
Hiệu suất sử dụng vốn là chỉ tiêu phản ánh tương quan giữa nguồn vốn huy động và dư nợ vay trực tiếp khách hàng trong hoạt động của ngân hàng. Hiệu suất sử dụng vốn cho biết một đơn vị tài sản có thì có bao nhiêu được sử dụng để cho vay trực tiếp khách hàng.
Vì tín dụng là hạng mục sinh lời chủ yếu, nên hiệu suất sử dụng vốn càng cao thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng càng hiệu quả và ngược lại. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Các chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn
Loại hiệu suất sử dụng vốn thứ nhất
Hiêu suất sử dụng vốn (H1) = (Tổng dư nợ cho vay/Tổng nguồn vốn huy động) x 100%.
Đây là chỉ tiêu phản ánh tương quan giữa nguồn vốn huy động và dư nợ vay trực tiếp khách hàng. Vốn huy động là nguồn vốn có chi phí thấp (rẻ hơn đi vay), ổn định về số dư và kì hạn, nên năng lực cho vay của một Ngân hàng Thương mại thường bị giới hạn bởi năng lực huy động vốn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu ngân hàng cũng tự cân đối được nguồn vốn huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay. Thật là lí tưởng nếu Ngân hàng Thương mại chủ động được nguồn vốn huy động để cân đối nhu cầu cho vay (lúc đó hệ số H1 xấp xỉ bằng 100%).
Mặc dù vậy, trong thực tế không phải lúc nào và ở đâu ngân hàng cũng tự cân đối được vốn huy động để đáp ứng nhu cầu cho vay. Hai khả năng có thể xảy ra là:
Thứ nhất, tại địa bàn hoạt động nhu cầu vay vốn đầu tư là rất lớn, trong khi đó khả năng huy động vốn là rất khó. Để giải quyết mâu thuẫn này, buộc ngân hàng phải đi vay từ các ngân hàng khác (hoặc vay trung ương) để cho vay lại.
Do phải đi vay với chi phí cao nên có thể làm cho hiệu quả hoạt động của tín dụng giảm. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất cho ngân hàng là phải từng bước chủ động cải thiện nguồn vốn huy động của mình.
Thứ hai, tại địa bàn hoạt động nhu cầu vay vốn là rất ít, trong khi đó khả năng huy động vốn lại rất cao. Để giải quyết mâu thuẫn này, buộc ngân hàng phải cho các ngân hàng khác (hoặc chuyển về trung ương) vay lại nguồn vốn huy động.
Trong trường hợp này thì hệ số H1 là nhỏ hơn 100% rất nhiều. Do phải cho vay lại nguồn vốn huy động với lãi suất thấp nên có thể giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất cho ngân hàng là phải chủ động tìm đầu ra (cho vay, đầu tư) để sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động.
Loại hiệu suất sử dụng vốn thứ hai
Hiệu suất sử dụng vốn (H2) = (Tổng dư vay nợ/Tổng tài sản có) x 100%.
Chỉ tiêu H2 cho biết, cứ 100 đồng thuộc tài sản có thì bao nhiêu đồng được sử dụng để cho vay trực tiếp khách hàng. Vì tín dụng là hạng mục sinh lời chủ yếu, nên hiệu suất sử dụng vốn H2 càng cao thì hoạt động kinh doanh của ngân hàng càng hiệu quả và ngược lại.
Tuy nhiên, nếu ngân hàng sử dụng vốn cho vay quá mức, thì phải chịu rủi ro thanh khoản; ngược lại, nếu hệ số H2 quá thấp chứng tỏ ngân hàng đang lãng phí nguồn vốn, tức nguồn vốn chưa được sử dụng hiệu quả một cách tối ưu. Trong điều kiện bình thường, hiệu suất sử dụng vốn H2 của ngân hàng thường từ 70 đến 80%. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)