Hiệu ứng chữ số bên trái (Left-digit effect) là gì?
Mục Lục
Hiệu ứng chữ số bên trái
Hiệu ứng chữ số bên trái trong tiếng Anh là Left-digit effect.
Hiệu ứng chữ số bên trái cho rằng nếu có sự khác biệt ngay từ chữ số trái quyết định giá trị lớn nhất, ta lập tức đưa ra kết luận ngay không cần xem xét nhiều đến các con số tiếp theo.
Nội dung của hiệu ứng chữ số bên trái
Năm 1979, nhà khoa học Monroe đã trình bày một thí nghiệm so sánh về mức độ cảm nhận của khách hàng giữa hai sản phẩm được khuyến mại.
Sản phẩm A được niêm yết giá 79 USD được khuyến mại từ giá gốc 93 USD. Bên cạnh đó, sản phẩm B tương tự được dán giá 75 USD khi được hạ từ giá gốc 89 USD.
Sản phẩm A | Sản phẩm B | |
---|---|---|
Giá gốc | 93 USD | 89 USD |
Giá khuyến mãi | 79 USD | 75 USD |
Thoạt trông, phần lớn người tham gia lựa chọn sản phẩm A mặc dù sản phẩm A đắt hơn sản phẩm B. Lí giải cho hành động này, họ cho rằng khi nhìn qua hai sản phẩm họ thấy rằng sản phẩm A giảm từ con số 9 hàng chục xuống 7 trong khi sản phẩm B giảm từ 8 xuống 7, có nghĩa là sản phẩm A giảm nhiều hơn.
Điểm thú vị nằm ở chỗ, mức giảm của cả hai sản phẩm này thực sự bằng nhau (cùng giảm 14 USD). Xét về tỉ lệ giảm giá, thì A giảm 15,05% trong khi B giảm tận 15,73%. Thậm chí, cảm giác cách biệt ảo vẫn tồn tại ngay cả khi người tham gia thí nghiệm được chỉ rõ sự tương đồng của hai mức khuyến mại sau đó.
Câu trả lời cho hiệu ứng chữ số bên trái
Những nghiên cứu khoa học bổ sung về sau đã phát hiện rằng, nguyên nhân chính làm cho người mua cảm thấy rẻ nằm ở nhận thức.
Thông thường những khuyến mại bán hàng hay chỉ rõ con số giảm giá hoặc giá trị phần trăm chiết khấu. Thế nhưng, trong trường hợp không có những thông tin này não bộ con người sẽ lập tức thực hiện một phép tính cảm nhận để tránh phải thực hiện một phép tính bằng máy tính.
Điều này có nghĩa là, thay vì lấy máy tính để tính toán phép giảm giá, người tiêu dùng thường nhìn và ước chừng cho nhanh. Chính phép ước chừng này cũng có những qui luật nhất định, con người có xu hướng so sánh con số dựa trên chữ số đầu tiên bên trái (9 và 7 như trong ví dụ trên).
(Tài liệu tham khảo: Hiệu ứng chim mồi, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)