Hàng hóa (Commodity) là gì? Giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa
Mục Lục
Hàng hóa (Commodity)
Hàng hóa trong tiếng Anh là Commodity. Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán.
Đặc trưng của hàng hóa
- Hàng hóa có thể ở dạng hữu hình như: sắt, thép, lương thực, thực phẩm... hoặc ở dạng vô hình như những dịch vụ thương mại, vận tải.
- Hàng hóa có hai thuộc tính: giá trị sử dụng và giá trị.
Giá trị sử dụng của hàng hóa
- Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của hàng hóa, dùng để thoả mãn nhu cầu nào đó của con người.
Ví dụ: Giá trị sử dụng của gạo là để ăn...
- Giá trị sử dụng của hàng hóa là do những thuộc tính tự nhiên của hàng hóa đó quyết định. Do đó, giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn.
Xã hội càng tiến bộ, lực lượng sản xuất càng phát triển thì số lượng giá trị sử dụng ngày càng nhiều, chủng loại giá trị sử dụng càng phong phú, chất lượng giá trị sử dụng ngày càng cao.
Giá trị của hàng hóa
- Muốn hiểu được giá trị của hàng hóa phải đi từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là quan hệ tỷ lệ về lượng giữa những giá trị sử dụng khác loại nhau.
Ví dụ: 1m vải = 5kg thóc
Tức là 1m vải có giá trị trao đổi bằng 5kg thóc. Vấn đề là, tại sao vải và thóc lại có thể trao đổi được với nhau, và hơn nữa chúng lại trao đổi với nhau theo một tỷ lệ nhất định (1 : 5). Hai hàng hóa khác nhau (vải và thóc) trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có một cơ sở chung nào đó.
Câu trả lời là cả vải và thóc đều là sản phẩm của lao động, đều có lao động kết tinh trong đó. Vì vậy, người ta trao đổi hàng hóa cho nhau chẳng qua là trao đổi lao động của mình ẩn giấu trong những hàng hóa ấy với nhau.
Chính lao động hao phí để tạo ra hàng hóa là cơ sở chung của việc trao đổi và nó chính là giá trị của hàng hóa. Như vậy, giá trị của hàng hóa là hao phí lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.
Giá trị trao đổi chỉ là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của giá trị. Giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi. Đồng thời, giá trị biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa. Cũng chính vì vậy, giá trị là một phạm trù lịch sử, chỉ tồn tại trong sản xuất hàng hóa.
(Tài liệu tham khảo: Học thuyết giá trị, Tổ hợp giáo dục Topica)