Ê kíp lãnh đạo (Management team) là gì? So sánh với ban lãnh đạo
Mục Lục
Ê kíp lãnh đạo
Ê kíp lãnh đạo trong tiếng Anh được gọi là Management team.
Ê kíp được hiểu là tập hợp các thợ thuyền cùng làm một công việc. Tập hợp các vận động viên cùng một đội, một phe.
Như vậy khi nói đến Ê kíp là nói đến những người cùng nhau thực hiện một loại hoạt động, có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Từ đó ta có khái niệm sau: Ê kíp là một nhóm người (nhóm nhỏ) cùng tiến hành một loại hoạt động chung, trong đó giữa các thành viên có sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ.
Ê kíp lãnh đạo là một Ê kíp cụ thể của những người lãnh đạo. Có thể nói đây là Ê kíp đặc biệt, vì những thành viên của Ê kíp này là người lãnh đạo của một tổ chức.
Ê kíp lãnh đạo là một nhóm nhỏ không chính thức của những người lãnh đạo một đơn vị nào đó, cùng tiến hành hoạt động quản lí trên cơ sở tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động với nhau chặt chẽ.
Dấu hiệu
Ê kíp lãnh đạo có dấu hiệu sau:
- Là một loại nhóm nhỏ của những người lãnh đạo thuộc một đơn vị, cơ quan
- Các thành viên cùng tiến hành một loạt hoạt động là những hoạt động chung
- Có sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ
So sánh giữa ban lãnh đạo và Ê kíp lãnh đạo:
Ê kíp lãnh đạo | Ban lãnh đạo | |
Giống nhau | - Tổ chức tập thể để thực hiện các nhiệm vụ đề ra | - Tổ chức tập thể để thực hiện các nhiệm vụ đề ra |
Khác nhau | - Là nhóm nhỏ không chính thức - Có tương hợp tâm lí và phối hợp hành động chặt chẽ - Người lãnh đạo cấp trưởng vừa là thủ lĩnh chính thức vừa là thủ lĩnh không chính thức | - Là nhóm nhỏ chính thức - Có thể có tương hợp tâm lí hoặc không, hoạt động không hiệu quả, phối hợp không chặt chẽ - Người lãnh đạo cấp trưởng là người lãnh đạo cao nhất của nhóm chính thức - ban lãnh đạo |
Như vậy, một ban lãnh đạo muốn trở thành Êkíp lãnh đạo thì giữa các thành viên của ban lãnh đạo phải có sự tương hợp tâm lí cao, thể hiện ở sự thống nhất động cơ, mục đích, nhu cầu, hứng thú, quan điểm, định hướng giá trị... và có sự phối hợp hành động chặt chẽ.
Cấu trúc tâm lí
Cấu trúc tâm lí của Êkíp lãnh đạo được phân tích dựa vào ba thành tố cơ bản: Động cơ, mục đích và hành động.
- Động cơ chung của Êkíp lãnh đạo là cơ sở để đi tới tương hợp tâm lí và phối hợp hành động trong Ê kíp.
Động cơ chung của Ê kíp lãnh đạo nhằm đáp ứng các nhu cầu và lợi ích nhất định bao gồm lợi ích của lãnh đạo, lợi ích của tập thể Ê kíp, của tập thể những người lao động và của xã hội.
- Mục đích chung
Trong một Ê kíp thì lợi ích của những người lãnh đạo không mâu thuẫn với lợi ích của tập thể và lợi ích của xã hội.
Hay nói cách khác, mục đích chung của Ê kíp những người lãnh đạo không đối lập với tập thể đó. Cùng với động cơ chung, mục đích chung là yếu tố đảm bảo cho Ê kíp đó hình thành và tồn tại.
- Các hành động chung
Hoạt động của một Ê kíp lãnh đạo là một hoạt động chung, bởi vậy các hành động chung cũng là yếu tố trong cấu trúc tâm lí của Ê kíp lãnh đạo. Hành động chung của Ê kíp được xác định từ mục đích chung, trên cơ sở nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của tập thể.
(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm tâm lí lãnh đạo và Ê kíp lãnh đạo, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)