Qui hoạch môi trường (Environment Planning) là gì?
Mục Lục
Qui hoạch môi trường (Environment Planning)
Qui hoạch môi trường - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Environment Planning.
Qui hoạch môi trường được hiểu là việc xác lập các mục tiêu môi trường mong muốn: đề xuất và lựa chọn phương án, giải pháp bảo vệ, cải thiện và phát triển một hoặc những môi trường thành phần hay tài nguyên của môi trường nhằm tăng cường một cách tốt nhất năng lực, chất lượng của chúng theo mục tiêu đã đề ra. (Theo PGS. TS. Vũ Quyết Thắng)
Đặc điểm của qui hoạch môi trường
Quan điểm hệ sinh thái
Quan điểm này xem xét con người trong tự nhiên hơn là tách khỏi nó; nghĩa là nhấn mạnh mối tương tác giữa con người với các hệ sinh thái tự nhiên và rộng hơn là sinh quyển. Các dạng qui hoạch khác có xu hướng tập trung hẹp hơn.
Tính hệ thống
Xem xét tổng thể các thành phần liên quan, tập trung vào các thành phần chủ chốt và các mối quan hệ của chúng, thừa nhận các hệ thống là mở, tương tác với môi trường; nhận biết sự liên hệ và phụ thuộc giữa các hệ thống.
Tính địa phương
Từ "môi trường" nhấn mạnh tính đặc trưng của mỗi địa phương, tuy nhiên cần thiết phải xem xét các thành phần môi trường và sự biến đổi môi trường trong một phạm vi lớn hơn.
Tính biến đổi theo thời gian
Xem xét sự thay đổi môi trường theo các chu kì khác nhau, dài và ngắn, quá khứ và tương lai. Nếu quĩ thời gian không hợp lí, qui hoạch môi trường sẽ không đạt mục tiêu đã đặt ra. Các dạng qui hoạch khác thường có trục thời gian ngắn hơn.
Tính chất hướng vào tác động
Nghiên cứu xem xét đầy đủ những ảnh hưởng môi trường do hoạt động của con người và sự phân bố của chúng (ai được lợi, ai chi trả). Các dạng qui hoạch khác thường có "định hướng đầu vào", tập trung chủ yếu vào dữ liệu, mục tiêu và kế hoạch hơn là vào "tác động" của các hoạt động phát triển.
Tính phòng ngừa
Khuynh hướng chủ đạo trong chiến lược qui hoạch môi trường là "nhu cầu bảo tồn", trong đó nó tập trung vào việc giảm nhu cầu đối với các hàng hóa hay dịch vụ có khả năng gây ra các stress hơn là việc chấp nhận "nhu cầu" như là đã "đặt ra" từ trước và cố gắng tập trung vào việc làm giảm thiểu hay loại bỏ các ảnh hưởng môi trường. (Theo Môi trường Đô thị, NXB Xây dựng)