Đạo đức kinh doanh (Business Ethics) là gì? Nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh
Mục Lục
Đạo đức kinh doanh (Business Ethics)
Đạo đức kinh doanh trong tiếng Anh là Business Ethics. Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh.
Nhận xét
- Đạo đức kinh doanh chính là đạo đức được vận dụng vào trong hoạt động kinh doanh.
- Đạo đức kinh doanh là một dạng đạo đức nghề nghiệp, có tính đặc thù của hoạt động kinh doanh.
Các nguyên tắc và chuẩn mực của đạo đức kinh doanh
- Tính trung thực
+ Không dùng các thủ đoạn gian dối, xảo trá để kiếm lời.
+ Giữ lời hứa, giữ chữ tín trong kinh doanh, nhất quán trong nói và làm, trung thực trong chấp hành luật pháp của Nhà nước.
+ Không làm ăn phi pháp như trốn thuế, lậu thuế, không sản xuất và buôn bán những mặt hàng quốc cấm, thực hiện những dịch vụ có hại cho thuần phong mĩ tục
+ Trung thực trong giao tiếp với bạn hàng (giao dịch, đàm phán, kí kết), và người tiêu dùng.
+ Không làm hàng giả, khuyến mại giả, quảng cáo sai sự thật, sử dụng trái phép những nhãn hiệu nổi tiếng, vi phạm bản quyền, phá giá theo lối ăn cướp.
+ Trung thực ngay với bản thân, không hối lộ, tham ô...
- Tôn trọng con người
+ Đối với những người cộng sự và dưới quyền, tôn trọng phẩm giá, quyền lợi chính đáng, tôn trọng hạnh phúc, tôn trọng tiềm năng phát triển của nhân viên, quan tâm đúng mức, tôn trọng quyền tự do và các quyền hạn hợp pháp khác.
+ Đối với khách hàng: tôn trọng nhu cầu, sở thích và tâm lí khách hàng
+ Đối với đối thủ cạnh tranh, tôn trọng lợi ích của đối thủ
- Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của khách hàng và xã hội, coi trọng hiệu quả gắn với trách nhiệm xã hội.
- Bí mật và trung thành với các trách nhiệm đặc biệt.
Đối tượng điều chỉnh của đạo đức kinh doanh
Theo nghĩa rộng, chủ thể hoạt động kinh doanh gồm tất cả những ai là chủ thể của các quan hệ và hành vi kinh doanh:
- Tầng lớp doanh nhân làm nghề kinh doanh
Đạo đức kinh doanh điều chỉnh hành vi đạo đức của tất cả các thành viên trong các tổ chức kinh doanh (hộ gia đình, công ty, xí nghiệp, tập đoàn) như Ban giám đốc, các thành viên Hội đồng quản trị, công nhân viên chức.
Sự điều chỉnh này chủ yếu thông qua công tác lãnh đạo, quản lí trong mỗi tổ chức đó. Đạo đức kinh doanh được gọi là đạo đức nghề nghiệp của họ.
- Khách hàng của doanh nhân
Khi là người mua hàng thì hành động cuả họ đều xuất phát từ lợi ích kinh tế của bản thân, đều có tâm lí muốn mua rẻ và được phục vụ chu đáo.
Tâm lí này không khác tâm lí thích "mua rẻ, bán đắt" của giới doanh nhân, do vậy cũng cần phải có sự định hướng của đạo đức kinh doanh để tránh tình trạng khách hàng lợi dụng vị thế "thượng đế" để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của doanh nhân, làm xói mòn các chuẩn mực đạo đức.
Phạm vi áp dụng đạo đức kinh doanh
- Phạm vi áp dụng của đạo đức kinh doanh là tất cả những thể chế xã hội, những tổ chức, những người liên quan, tác động đến hoạt động kinh doanh như: Chính phủ, khách hàng, chủ sở hữu, đối tác, cộng đồng...
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Văn hóa kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)