Kẻ hủy diệt thị trường (Category Killer) là gì?
Mục Lục
Kẻ hủy diệt thị trường
Kẻ hủy diệt thị trường trong tiếng Anh là Category Killer.
Kẻ hủy diệt thị trường là một chuỗi bán lẻ khổng lồ có sức cạnh tranh đến mức, nó thống trị một hoặc nhiều loại danh mục sản phẩm và khiến các đối thủ có năng suất kém hơn và chuyên môn cao hơn bị đá khỏi lĩnh vực kinh doanh đó.
Kẻ hủy diệt thị trường chủ yếu đạt được lợi thế cạnh tranh to lớn bằng cách có sự lựa chọn hàng hóa lớn hơn và sâu hơn so với các cửa hàng nhỏ và đơn độc. Số lượng hàng hóa đó cho phép kẻ hủy diệt thị trường tiết kiệm được chi phí và bán sản phẩm của họ với giá thấp đến mức các cửa hàng khác không thể cạnh tranh với họ.
Lịch sử của kẻ hủy diệt thị trường
Charlie Lazarus, người sáng lập của Toys R Us, được cho là đã đặt ra khái niệm về kẻ hủy diệt thị trường. Amazon, Best Buy, Walmart là những ví dụ khác về kẻ hủy diệt này.
Cứ ngỡ là không gì có thể vượt qua, thì những kẻ huy diệt thị trường cũng không phải là bất khả chiến bại. Đặc biệt, điều này có thể là trường hợp nếu họ có đường lối quản lí sai lầm hoặc không theo kịp thời đại. Toys R Us, người tiên phong cho khái niệm này đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 9/2017, là một ví dụ.
Toys R Us được thành lập vào năm 1948, và thời hoàng kim của những kẻ hủy diệt thị trường là vào những năm 1980 và 1990. Đó là khi những kẻ hủy diệt sinh sôi nảy nở trên khắp nước Mỹ. Một cửa hàng sách (hiện không còn hoạt động), cứ sau 9 ngày lại mở một cửa hàng mới. Nhà bán lẻ văn phòng phẩm Staples đã mở hai cửa hàng trong vòng một tuần. Home Depot thì báo cáo lợi nhuận bội thu vào đầu năm, mở ba cửa hàng chỉ trong vòng một tuần.
Tuy nhiên, trong thập kỉ tiếp theo, vận may của những kẻ hủy diệt thị trường này đã kết thúc. Một số tuyên bố phá sản, một số thì đóng cửa hoặc bắt đầu báo cáo thua lỗ.
Có một số yếu tố tạo nên tình trạng thảm hại của họ.
Một trong số đó là sự thống trị liên tục của Walmart với tư cách là nhà bán lẻ giảm giá lớn trên toàn quốc. Tập đoàn kếch xù có trụ sở tại Arkansas không chỉ ăn vào thị phần của các cửa hàng độc lập mà còn của các nhà bán lẻ như Toys R Us.
Một điều nữa là sự trỗi dậy của các công ty thương mại điện tử như Amazon. Họ cung cấp ra những tùy chọn hấp dẫn như mức giá thấp, mua sắm một cửa và sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến, phá hủy tính kinh tế chi phí cao của các nhà bán lẻ lớn.
Nhận thấy tình hình đó, Best Buy đã đấu tranh để tự tái tạo lại thị trường bị xâm lấn bởi Amazon. Ngay cả Walmart cũng thấy rằng một phần lớn các siêu thị của họ đang không sinh lời.
Tuy nhiên, một số kẻ hủy diệt thị trường vẫn có thể bảo vệ được tính kinh tế trong danh mục của họ, nếu họ có thể tạo ra trải nghiệm mua sắm hấp dẫn. Để làm điều đó, họ sẽ cần kết hợp các yếu tố như sự hài lòng tức thì, bán hàng cá nhân hóa, các loại showroom độc đáo và có tính trải nghiệm. Họ cũng có thể phải thu hẹp qui mô cửa hàng của mình để duy trì tính linh hoạt tối đa, cũng như kết hợp các loại hình bán hàng, như Walmart hiện đang làm.
Kẻ hủy diệt thị trường ngày nay
Một kiểu hủy diệt thị trường mới cũng đã xuất hiện trên nền tảng trực tuyến. Các trang web như vậy thường chuyên cung cấp một danh mục sản phẩm cụ thể ở các mức giá khác nhau. Ví dụ, Warby Parker chuyên bán lẻ kính theo đơn của bác sĩ và kính râm. Casper, một công ty khởi nghiệp trực tuyến khác, chuyên bán các loại nệm khác nhau trong khi Harry's và Dollar Shave Club cung cấp các sản phẩm cạo râu.
Các công ty khởi nghiệp này được xây dựng trên một mô hình kinh doanh khác so với những kẻ hủy diệt thị trường trước đó, chủ yếu cạnh tranh về giá. Các dạng mới của các doanh nghiệp trực tuyến không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về sự thuận tiện của việc mua sắm và dịch vụ hậu mãi.
(Theo Investopedia)