Kinh tế học Reagan (Reaganomics) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Kinh tế học Reagan
Kinh tế học Reagan trong tiếng Anh là Reaganomics.
Kinh tế học Reagan là một thuật ngữ phổ biến đề cập đến các chính sách kinh tế của Ronald Reagan, tổng thống Mỹ nhiệm kì thứ 40 (1981 - 1989). Các chính sách của ông kêu gọi cắt giảm thuế trên diện rộng, giảm chi tiêu xã hội, tăng chi tiêu quân sự và bãi bỏ qui định của thị trường nội địa. Những chính sách kinh tế này được đưa ra để đáp ứng với giai đoạn lạm phát kinh tế kéo dài bắt đầu dưới thời Tổng thống Gerald Ford năm 1976.
Đặc điểm của Kinh tế học Reagan
Thuật ngữ "Kinh tế học Reagan" được sử dụng bởi cả những người ủng hộ và không ủng hộ các chính sách của Reagan. Kinh tế học Reagan một phần dựa trên các nguyên tắc của kinh tế học trọng cung và lí thuyết lợi ích kinh tế nhỏ giọt.
Những lí thuyết này giữ quan điểm rằng giảm thuế, đặc biệt là đối với các tập đoàn, là cách tốt nhất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu chi phí của các tập đoàn giảm, tiền tiết kiệm sẽ "nhỏ giọt" xuống phần còn lại của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.
Trước khi trở thành phó tổng thống của Reagan, George H. W. Bush đã đặt ra thuật ngữ "kinh tế học Voodoo" như một từ đồng nghĩa đề xuất cho Kinh tế học Reagan.
Mục tiêu của kinh tế học Reagan
Khi Reagan bắt đầu nhiệm kì đầu tiên tại vị, Mỹ đang phải chịu đựng nhiều năm lạm phát, trong đó lạm phát cao đi kèm với tỉ lệ thất nghiệp cao. Để chống lạm phát cao, Ủy ban Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất ngắn hạn, gần mức cao nhất vào năm 1981. Reagan đề xuất một chính sách kinh tế bốn hướng nhằm giảm lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế và việc làm:
- Giảm chi tiêu của chính phủ cho các chương trình trong nước
- Giảm thuế cho cá nhân, doanh nghiệp và đầu tư
- Giảm gánh nặng các qui định về kinh doanh
- Hỗ trợ tăng trưởng tiền tệ chậm hơn trong nền kinh tế
Hiệu quả của các chính sách kinh tế học Reagan
Mặc dù Reagan giảm chi tiêu trong nước, nhưng ngược lại, chi tiêu quân sự lại tăng, tạo ra thâm hụt ròng trong suốt hai nhiệm kì của ông. Thuế suất cận biên đối với thu nhập cá nhân đã giảm xuống 28% từ 70% và thuế suất doanh nghiệp đã giảm từ 48% xuống 34%.
Reagan tiếp tục với việc giảm các qui định kinh tế ban hành dưới thời Tổng thống Jimmy Carter và loại bỏ kiểm soát giá đối với dầu và khí đốt tự nhiên, dịch vụ điện thoại đường dài và truyền hình cáp. Trong nhiệm kì thứ hai của mình, Reagan ủng hộ chính sách tiền tệ giúp ổn định đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ.
Gần cuối nhiệm kì thứ hai của Reagan, doanh thu thuế mà chính phủ Mỹ nhận được đã tăng lên 909 tỉ đô la vào năm 1988 từ 517 tỉ đô la năm 1980. Lạm phát giảm xuống 4% và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6%.
Mặc dù các nhà kinh tế và chính trị gia tiếp tục tranh luận về tác động của kinh tế học Reagan, nó đã mở ra một trong những thời kì thịnh vượng lâu nhất và mạnh nhất trong lịch sử Mỹ. Từ năm 1982 đến 2000, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) đã tăng gần 14 lần và nền kinh tế đã có thêm 40 triệu việc làm mới.
(Theo Investopedia)