Danh mục Giảm thuế - IL (Inclusion List) là gì?
Mục Lục
Danh mục Giảm thuế - IL
Danh mục Giảm thuế - IL trong tiếng Anh gọi là: Inclusion List.
Danh mục Giảm thuế (IL) bao gồm những mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế quan để đến khi hoàn thành Chương trình CEPT sẽ có thuế suất từ 0% đến 5%. Ngay sau khi kí Hiệp định CEPT, mỗi nước ASEAN đã phải đưa ra IL của mình để bắt đầu giảm thuế quan từ năm 1993.
Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đưa ra IL bao gồm 856 mặt hàng để bắt đầu giảm thuế quan từ năm 1996. Thực tế, không phải mặt hàng nào trong IL cũng thực sự phải giảm thuế quan vì có những mặt hàng ngay từ trước khi đưa vào IL đã có thuế suất dưới 5%, thậm chí bằng 0%.
Để đạt được mục tiêu hình thành một khu vực thương mại tự do, tức AFTA, các nước ASEAN đề ra một chương trình gọi là Thuế quan Ưu đãi có hiệu lực chung (viết tắt theo tiếng Anh là CEPT).
Theo chương trình này, các nước ASEAN sẽ dần dần cắt giảm thuế quan, loại bỏ các biện pháp bảo hộ và các hàng rào thương mại để giúp luồng hàng hoá giao lưu tự do, thông thoáng hơn giữa các nước thành viên.
Nội dung chủ yếu của Chương trình CEPT là đề cập đến việc cắt giảm dần thuế quan trong buôn bán giữa các nước ASEAN xuống đến mức 0-5%.
Để thực hiện dần dần việc cắt giảm thuế quan, mỗi nước sẽ phải phân loại tất cả hàng hoá của mình vào một trong các danh mục sau:
- Danh mục Giảm thuế (IL);
- Danh mục Loại trừ Tạm thời (TEL);
- Danh mục Loại trừ Hoàn toàn (GEL);
- Danh mục Nhạy cảm (SL);
- Danh mục Nhạy cảm cao.
Nếu một mặt hàng đã đưa vào Danh mục Giảm thuế rồi thì có được rút ra Danh mục Loại trừ Tạm thời hay Danh mục Loại trừ Hoàn toàn không?
Một nguyên tắc của cắt giảm thuế quan là chỉ có tiến hoặc dừng mà không được lùi. Như vậy, một mặt hàng đã đưa vào tiến trình giảm thuế sẽ không được tăng thuế suất lên nữa mà chỉ có tạm dừng và tiếp tục giảm. Tương tự, một mặt hàng chỉ có thể đưa từ GEL vào TEL, từ GEL vào IL hoặc từ TEL vào IL mà không có chiều ngược lại.
(Tài liệu tham khảo: Hỏi đáp về Hợp tác Kinh tế ASEAN, Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế)