Bốn hiện đại hóa (Four Modernizations) là gì? Kết quả mà nó mang lại
Mục Lục
Bốn hiện đại hóa
Bốn hiện đại hóa trong tiếng Anh là four modernizations.
Bốn hiện đại hóa là những mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ nhằm biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại.
Bốn hiện đại hóa lần đầu tiên được Thủ tướng Chu Ân Lai đề cập tại Hội nghị công tác khoa học kĩ thuật tổ chức ở Thượng Hải vào tháng 1/1963. Sau đó, tại kì họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa III vào tháng 12/1964, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã đề nghị xây dựng một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa có "nền nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ tiên tiến" trong tương lai gần.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt vào cuối năm 1976, Đặng Tiểu Bình được phục hồi các chức vụ và dần nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bốn hiện đại hóa cũng đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối nội của Đặng Tiểu Bình.
Nội dung về Bốn hiện đại hóa
Bốn hiện đại hóa thực chất là sự theo đuổi chủ nghĩa thực dụng kinh tế của Đặng Tiểu Bình khi ông hco rằng chân lí xuất phát từ thực tiễn với phương châm "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột".
Cụ thể, về công nghiệp, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp hằng năm khoảng 10% với dự toán đầu tư khoảng 400 tỉ USD cho xây dựng.
Mục tiêu trong nông nghiệp bao gồm sản lượng tăng hằng năm từ 4-5%, cơ giới hóa công việc đồng áng khoảng 85%, mở rộng công tác thủy lợi tưới tiêu. Chi phí cho hiện đại hóa nông nghiệp khoảng 33 tỉ USD, ngoài ra còn phải tốn thêm 50 tỉ USD cho công tác tái đào tạo và tạo việc làm mới cho lực lượng lao động dư thừa do cơ giới hóa.
Hiện đại hóa quốc phòng được coi là một mục tiêu tốn kém và không thể thực hiện trong ngắn hạn. Do mục tiêu lâu dài là Trung Quốc phải tăng cường năng lực ngành công nghiệp quốc phòng nên trong thời gian này chỉ có các vũ khí và hệ thống công nghệ cao được đặt mua.
Trong các mục tiêu Bốn hiện đại hóa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt đối với phát triển và nhấn mạnh rằng khoa học phải dẫn dắt công cuộc xây dựng kinh tế.
Kết quả Bốn hiện đại hóa mang lại
Có thể nói, mục tiêu cuối cùng của Bốn hiện đại hóa là biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào đầu thế kỉ 21. Sau hơn 40 thực hiện, đến nay Bốn hiện đại hóa đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả 4 lĩnh vực.
Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng cao dựa trên động lực xuất khẩu và chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đà phát triển kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ và đặc biệt là quốc phòng của Trung Quốc cũng đã được tăng trưởng mạnh mẽ. Sự phát triển của Trung Quốc một mặt mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho thế giới, một mặt khiến cho nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảm thấy bất an về mặt an ninh.
(Theo Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)