Cuộc đua xuống đáy (Race to the Bottom) là gì? Ví dụ về cuộc đua xuống đáy
Mục Lục
Cuộc đua xuống đáy
Cuộc đua xuống đáy trong tiếng Anh là Race to the Bottom.
Cuộc đua xuống đáy chỉ việc một công ty, một tiểu bang hoặc quốc gia cố gắng giảm giá thấp hơn giá của đối thủ bằng cách hi sinh chất lượng, hoặc an toàn của người lao động, hoặc trả lương thấp.
Một cuộc đua xuống đáy cũng có thể xảy ra giữa các vùng. Ví dụ, một tỉnh hoặc thành phố có thể nới lỏng qui định và thỏa hiệp các lợi ích công cộng để thu hút đầu tư, ví dụ như xây dựng một nhà máy hoặc văn phòng công ty mới.
Thuật ngữ cuộc đua xuống đáy được sử dụng để mô tả sự cạnh tranh vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức và gây hại cho các bên liên quan.
Cuộc đua xuống đáy là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt. Khi các công ty tham gia vào cuộc đua xuống đáy, tác động của nó vượt ra ngoài các bên liên quan trực tiếp, gây ra thiệt hại lâu dài lên môi trường, nhân viên, cộng đồng và các cổ đông của công ty.
Hơn nữa, kì vọng của người tiêu dùng về mức giá thấp hơn có thể khiến tỉ suất lợi nhuận của bên thắng cuộc vĩnh viễn ở mức thấp. Nếu người tiêu dùng thấy hàng hóa hoặc dịch vụ kém chất lượng do kết quả cắt giảm chi phí trong cuộc đua xuống đáy, thị trường cho những hàng hóa hoặc dịch vụ đó có thể biến mất.
Cuộc đua xuống đáy và lao động
Nhiều công ty đã duy trì mức lương thấp để bảo vệ tỉ suất lợi nhuận khi cung cấp sản phẩm có giá cạnh tranh. Ví dụ, tại Mỹ, lĩnh vực bán lẻ thường bị cáo buộc là tham gia vào một cuộc đua xuống đáy và cắt giảm tiền lương và phúc lợi nhân công.
Để đối phó với các qui định tang tiền lương và phúc lợi, nhiều hãng bán lẻ đã chuyển hoạt động sản xuất hàng hóa ra nước ngoài, những nơi có mức lương và phúc lợi thấp hơn hoặc thuyết phục các nhà cung cấp của họ làm vậy, bằng sức mua của mình.
Cuộc đua xuống đáy và luật pháp
Để thu hút thêm vốn đầu tư, các tiểu bang, thành phố hoặc các quốc gia có thể tham gia vào cuộc đua xuống đáy bằng cách thay đổi các qui định về thuế hoặc quản lí của họ. Sự chênh lệch về thuế suất doanh nghiệp trên toàn thế giới khiến nhiều công ty chuyển trụ sở chính hoặc thuyên chuyển hoạt động để có hưởng mức thuế ưu đãi hơn.
Ví dụ về cuộc đua xuống đáy
Theo một nghiên cứu năm 2013, các quốc gia có thu nhập thấp thường đề ra các tiêu chuẩn lao động lỏng lẻo về tiền lương hoặc các qui định đảm bảo an toàn để thu hút các nhà sản xuất.
Thảm họa Rana Plaza ở Bangladesh năm 2013 là một ví dụ về sự nguy hiểm của các hành động này. Nhờ tiền lương thấp và chi phí thành lập rẻ, Bangladesh đã trở thành trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
Tòa nhà Rana Plaza ở thủ đô Dhaka là một nhà máy sản xuất quần áo đã vi phạm một số qui tắc xây dựng của luật địa phương. Nhưng sự thúc ép của chính phủ để thực thi các qui định khá là lỏng lẻo, dẫn đến một vụ sụp đổ làm 1.000 công nhân thiệt mạng.
(Theo investopedia)