Phân tích báo cáo tài chính (Financial statements analysis) là gì?
Mục Lục
Phân tích báo cáo tài chính (Financial statements analysis)
Khái niệm
Phân tích báo cáo tài chính trong tiếng Anh là Financial statements analysis.
Phân tích báo cáo tài chính là việc sử dụng các công cụ và kĩ thuật phân tích để xem xét mối liên hệ giữa các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, từ đó đánh giá về tình hình tài chính hiện tại cũng như dự báo về tình hình tài chính trong tương lai của doanh nghiệp.
Ý nghĩa
Việc sử dụng các công cụ và kĩ thuật phân tích hợp lí sẽ giúp các nhà đầu tư tiến hành các phân tích cơ bản, xác định giá trị của cổ phiếu để quyết định mua hoặc bán cổ phiếu với mức giá hợp lí. Phân tích báo cáo tài chính cũng giúp các nhà cung cấp tín dụng đánh giá rủi ro tín dụng, chấm điểm tín dụng để đưa ra các quyết định tài trợ vốn hợp lí.
Cơ sở dữ liệu cơ bản
Cơ sở dữ liệu cơ bản để phân tích báo cáo tài chính là hệ thống báo cáo tài chính, bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Các báo cáo này cần được sử dụng cùng với báo cáo kiểm toán với ý kiến của kiểm toán viên về tính trung thực và hợp lí của các số liệu trên các báo cáo tài chính đó.
Bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính, các nhà phân tích nên sử dụng thêm các tài liệu khác để có được sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về các yếu tố tác động tới hoạt động kinh doanh, bao gồm các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp (môi trường kinh doanh, các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan tới ngành kinh doanh) và các yếu tố bên trong doanh nghiệp (chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; đặc điểm tổ chức, quản lí và tô chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp).
Nguồn tài liệu để thu thập các thông tin này rất đa dạng như các báo cáo phân tích nền kinh tế, báo cáo phân tích ngành, báo cáo thường niên của doanh nghiệp.
Nội dung phân tích báo cáo tài chính
Phân tích báo cáo tài chính bao gồm các nội dung:
(1) Phân tích cơ bản:
+ Phân tích cấu trúc tài chính: là việc xem xét cơ cấu nguồn vốn, đánh giá ưu, nhược điểm của cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp.
+ Phân tích khả năng thanh toán: là việc đánh giá khả năng tạo tiền để thực hiện các nghĩa vụ đối với các chủ nợ khi đến hạn.
+ Phân tích hiệu quả kinh doanh: là đánh giá về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp
(2) Phân tích các chủ đề đặc biệt:
+ Phân tích dưới góc độ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán: ngoài việc phân tích các khía cạnh cơ bản trong tình hình tài chính giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác thì việc đánh giá triển vọng của công ty trên thị trường chứng khoán dưới góc độ của các nhà đầu tư sẽ giúp cho họ tự tin hơn trong việc đưa ra các quyết định mua, bán cổ phiếu
+ Phân tích các dấu hiệu khủng hoảng tài chính & phá sản: giúp cho các đối tương sử dụng (cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp) cảnh báo sớm các vấn đề khó khăn tài chính để có đối sách kịp thời.
(3) Phân tích triển vọng:
+ Dự báo tài chính: Dựa vào thông tin về tình hình tài chính trong quá khứ và hiện tại của doanh nghiệp để dự báo về các chỉ tiêu tài chính trong tương lai cho doanh nghiệp. Các dự báo này là căn cứ quan trọng để xác định nhu cầu vốn bổ sung cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai, giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch tài chính của mình.
+ Định giá doanh nghiệp: Xác định giá trị thực của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp đang được đánh giá trên thị trường chứng khoán cao hơn, thấp hơn hay đúng bằng giá trị thực của mình để có các quyết định mua, bán cổ phiếu hợp lí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo cáo tài chính phân tích – dự báo và định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)