Chế độ song bản vị (Bimetallic Standard) là gì? Chế độ bản vị ngoại tệ
Mục Lục
Chế độ song bản vị (Bimetallic Standard)
Chế độ song bản vị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Bimetallic Standard.
Chế độ song bản vị hay còn gọi là chế độ lưỡng kim bản vị là chế độ tiền tệ trong đó cả bạc lẫn vàng đều được sử dụng làm tiền tệ lưu hành song song nhau, và cả hai đều có giá trị thanh toán theo một tương quan do Nhà nước ấn định.
Chẳng hạn trước năm 1914, Pháp định nghĩa đồng franc vừa theo vàng vừa theo bạc như sau:
1 franc vàng = 322,5 mg vàng chuẩn độ 0,900.
1 franc bạc = 5 gram bạc chuẩn độ 0,900.
Tương tự năm 1792 ở Mỹ đồng dollar cũng được định nghĩa vừa theo vàng vừa theo bạc như sau:
1 dollar vàng = 4.603,80 mg vàng ròng 1 dollar bạc = 24,06 gram bạc ròng.
Qua định nghĩa trên đây chúng ta thấy rằng 1 franc bạc nặng gấp 15,5 lần franc vàng ở Pháp và 1 dollar bạc nặng gấp 15 lần dollar vàng ở Mỹ. Hay nói khác đi giá chính thức của 1 gram vàng bằng giá chính thức của 15,5 gram bạc ở Pháp và 15 gram bạc ở Mỹ.
Đặc điểm của chế độ song bản vị
- Có một tỉ lệ tương quan cố định giữa giá trị của vàng và giá trị của bạc. Trong ví dụ trên, 1 franc vàng ăn 15,5 franc bạc ở Pháp và 1 dollar vàng ăn 15 dollar bạc ở Mỹ.
- Cả tiền vàng lẫn tiền bạc đều có giá trị thanh toán như nhau, nghĩa là trong mua bán hay trả nợ người ta có thể sử dụng tiền bạc hoặc tiền vàng để thanh toán theo tỉ lệ tương ứng.
Thực tế lưu thông tiền tệ cho thấy rằng chế độ song bản vị đã từng là nguyên nhân gây ra những xáo trộn trong đời sống kinh tế và lưu thông tiền tệ do nạn đầu cơ tiền vàng hay tiền bạc, tùy theo sự thăng trầm của giá bạc và giá vàng trên thị trường.
Ví dụ nếu giá vàng trên thị trường cao hơn so với chính thức thì người ta có xu hướng tích lũy tiền vàng và đưa tiền bạc ra lưu thông thay thế cho tiền vàng. Điều này dẫn đến kết quả là chỉ có tiền bạc xuất hiện trong lưu thông trong khi tiền vàng dần dà biến mất.
Sự kiện này được Gresham rút ra thành định luật gọi là định luật Gresham. Định luật này có nội dung như sau: "Trong một quốc gia khi nào hai thứ tiền tệ cùng được luật pháp công nhận theo một giá đổi chính thức, đồng tiền xấu sẽ dần dần đuổi đồng tiền tốt ra khỏi lưu thông". (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Chế độ bản vị ngoại tệ (Foreign Currency Standard)
Chế độ bản vị ngoại tệ - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Foreign Currency Standard.
Chế độ bản vị ngoại tệ là chế độ tiền tệ trong đó đơn vị tiền tệ của một quốc gia nào đó được định nghĩa theo một ngoại tệ nhất định, thường là ngoại tệ mạnh.
Ngoại tệ mạnh được dùng làm bản vị có thể không được chuyển đổi ra vàng. Nhưng các nước theo chế độ bản vị ngoại tệ thường tích lũy ngoại tệ được chọn làm bản vị và kí gửi ở ngân hàng Trung ương của quốc gia có ngoại tệ được chọn làm bản vị nhằm đảm bảo giá trị cho đồng tiền của mình.
Lịch sử tiền tệ cho thấy những ngoại tệ mạnh như bảng Anh, dollar Mỹ, franc Pháp... đã từng được chọn làm bản vị cho nhiều đồng tiền của nhiều nước trên thế giới.
Chế độ bản vị ngoại tệ hình thành và trở nên thông dụng từ khi các nước lần lượt bỏ chế độ lưu hành tiền giấy khả hoán chuyển sang sử dụng tiền giấy bất khả hoán. Chế độ bản vị ngoại tệ dẫn đến hai hệ lụy quan trọng sau đây :
- Xu hướng sử dụng ngoại tệ trong thanh toán quốc tế thay cho vàng.
- Sự hình thành các khu vực tiền tệ như khu vực đồng bảng Anh, khu vực đồng dollar Mỹ, khu Vực đồng franc Pháp, khu vực đồng escudo Bồ Đào Nha và khu vực đồng rouble. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)