Biện pháp tự vệ đặc biệt (Special Safeguard) trong thương mại là gì?
Mục Lục
Biện pháp tự vệ đặc biệt (Special Safeguard)
Biện pháp tự vệ đặc biệt - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Special Safeguard.
Biện pháp tự vệ đặc biệt, hay còn gọi là biện pháp tự vệ chuyển tiếp, là biện pháp tự vệ được Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng trong trường hợp gia tăng quá mức hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam do kết quả của việc giảm thuế theo lộ trình của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. (Theo Luật Quản lí ngoại thương năm 2017)
Qui định về biện pháp tự vệ đặc biệt
Nguyên tắc áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt
1. Không áp dụng đồng thời biện pháp tự vệ đặc biệt đối với cùng một hàng hóa, trong cùng một thời điểm, với một trong các biện pháp dưới đây:
a) Biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam được qui định tại Luật Quản lí ngoại thương;
b) Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may.
2. Không áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt vượt quá giai đoạn chuyển tiếp.
3. Không áp dụng quá một lần biện pháp tự vệ đặc biệt đối với cùng một hàng hóa.
4. Không áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết trong Hiệp định.
5. Không áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt bằng biện pháp áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu.
6. Việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt phải được thực hiện phù hợp với qui định pháp luật.
Áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt khi kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có các nội dung sau đây:
a) Có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả của việc giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế của hàng hóa đó theo Hiệp định.
Trong trường hợp sự gia tăng nhập khẩu từ hai nước thành viên bị điều tra trở lên, khối lượng, số lượng nhập khẩu bị điều tra của từng nước thành viên phải có sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực của các nước thành viên;
b) Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng;
c) Việc gia tăng nhập khẩu là nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
2. Biện pháp tự vệ đặc biệt được áp dụng gồm:
a) Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo qui định của Hiệp định đối với hàng hóa bị điều tra;
b) Tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.
3. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt không được vượt quá 02 năm. Trong trường hợp Cơ quan điều tra kết luận rằng cần tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước, thời hạn áp dụng có thể kéo dài thêm tối đa 01 năm.
4. Trong trường hợp biện pháp tự vệ đặc biệt dài hơn 01 năm, biện pháp tự vệ đặc biệt phải được nới lỏng dần đều trong suốt quá trình áp dụng biện pháp.
5. Sau khi hết thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt, mức thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa liên quan thực hiện theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đó. (Theo Thông tư Số: 19/2019/TT-BCT)