1. Tài chính - Ngân hàng

Cấu trúc rủi ro của lãi suất (Interest Rate Risk Structure) là gì?

Mục Lục

Cấu trúc rủi ro của lãi suất (Interest Rate Risk Structure)

Cấu trúc rủi ro của lãi suất trong tiếng Anh gọi là Interest Rate Risk Structure.

Cấu trúc rủi ro của lãi suất giải thích nguyên nhân khác biệt về lãi suất giữa các công cụ nợ cùng kì hạn.

Theo lí thuyết này lãi suất được coi là phần bù rủi ro, mức rủi ro của công cụ nợ càng lớn, lãi suất càng cao và ngược lại. 

Các loại rủi ro của công cụ nợ

Rủi ro vỡ nợ

Rủi ro vỡ nợ là khả năng người đi vay không trả đủ tiền lãi, tiền gốc hoặc cả hai khi đến hạn trả. Đây là một thuộc tính của các công cụ nợ nhưng không phải mọi loại công cụ nợ đều có thuộc tinh này. Ví dụ chứng khoán của Chính phủ không có rủi ro vỡ nợ. 

Khoảng cách (chênh lệch) giữa lãi suất của một công cụ nợ có rủi ro với lãi suất của một công cụ nợ không có rủi ro được gọi là mức bù rủi ro. Rủi ro vỡ nợ càng cao thì mức bù rủi ro càng lớn. Đối với những công cụ có rủi ro vỡ nợ sẽ luôn có một mức bù rủi ro dương và một sự tăng rủi ro vỡ nợ của nó sẽ làm tăng mức bù rủi ro này.

Tính lỏng

Tính lỏng của công cụ nợ có ảnh hưởng đến lãi suất vì công cụ nợ càng lỏng, càng được ưa chuộng. Một công cụ nợ càng kém "lỏng", lãi suất của nó sẽ càng cao so với những công cụ "lỏng" hơn. Khoảng cách lãi suất giữa công cụ nợ kém lỏng so với công cụ lỏng hơn cũng gọi là mức bù rủi ro, đôi khi còn gọi là một mức bù tính lỏng, hay mức bù rủi ro tính lỏng.

Qui định về thuế thu nhập 

Nếu qui chế thuế thu nhập qui định có những công cụ nợ phải chịu thuế thu nhập và có công cụ nợ không phải chịu thuế thu nhập khi thanh toán lãi thì thuế thu nhập là một yếu tố tạo nên sự khác nhau trong lãi suất của các công cụ nợ.

Đối với những công cụ nợ miễn thuế thu nhập, lãi suất của nó thấp hơn lãi suất của công cụ nợ chịu thuế thu nhập nhằm đảm bảo sự cân bằng về thu nhập sau thuế giữa chúng.

(Tài liệu tham khảo, Giáo trình tiền tệ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao Động)

Thuật ngữ khác