Cầu thanh khoản (Liquidity Demand) là gì?
Mục Lục
Cầu thanh khoản
Cầu thanh khoản - danh từ, trong tiếng anh được dùng bởi cụm từ Liquidity Demand.
Cầu thanh khoản (hay là nhu cầu thanh khoản) là nhu cầu thanh toán của khách hàng mà ngân hàng có nghĩa vụ đáp ứng. Cầu thanh khoản bao gồm yêu cầu chi trả và tín dụng hợp pháp của khách hàng.
Việc ngân hàng bán các tài sản để đáp ứng nhu cầu thanh khoản gọi là bán thanh khoản.
Các yếu tố chính tạo cầu thanh khoản
- Nhu cầu rút tiền của người gửi: các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi khác,... Khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào/ hoặc báo trước hoặc không.
- Nhu cầu tín dụng hợp pháp của khách hàng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, mà ngân hàng cam kết tài trợ;
- Các khoản tiền vay đến hạn trả.
- Thanh toán các khoản chi phí: Bao gồm hầu hết các khoản chi phí của ngân hàng: chi phí quản lí, chi phí phi tài chính, chi phí thuế, thanh toán các dịch vụ sử dụng, chi trả cổ tức bằng tiền, chi cho các hoạt động đầu tư và các khoản chi phí khác, thuế, cổ tức,...
- Các hợp đồng cam kết mua lại đến hạn thanh toán.
Trong cầu thanh khoản, có hai bộ phận quan trọng đối với ngân hàng. Đó là nhu cầu rút tiền và nhu cầu vay tiền của ngân hàng.
Loại thứ nhất gắn liền với tiền ngân hàng huy động được, loại thứ hai gắn liền với việc tạo nên tài sản mới. Các khoản tiền khi huy động được, ngay lập tức gia tăng ngân quĩ cho ngân hàng (gia tăng cung thanh khoản), đồng thời cũng tạo nên nhu cầu thanh khoản.
Sự khác biệt về kì hạn của các dòng tiền vào (cung thanh khoản) và dòng tiền ra (cầu thanh khoản) tạo nên sự khác biệt về cung và cầu thanh khoản.
Các nhân tố ảnh hưởng cầu thanh khoản
- Thứ nhất là nhóm nhân tố tạo ra hoảng loạn trong khách hàng gửi tiền như bất ổn chính trị, tham nhũng trong hệ thống tài chính, các khoản cho vay xấu dẫn đến mất khả năng thanh toán của một ngân hàng, lan sang các ngân hàng khác...
- Thứ hai là nhóm nhân tố liên quan đến thu nhập và nhu cầu chi tiêu của khách hàng như tính thời vụ trong sản xuất và tiêu dùng, mức thu nhập và hệ số tiết kiệm, mật độ dân số và doanh nghiệp, sự đa dạng khách hàng gửi tiền và vay tiền...
- Thứ ba là nhóm nhân tố cạnh tranh trên địa bàn giữa các trung gian tài chính như chính sách lãi suất huy động, chính sách tín dụng... của mỗi tổ chức.
- Thứ tư là nhóm nhân tố tạo nên sức mạnh và uy tín của bản thân ngân hàng như vốn chủ sở hữu, cán bộ, công nghệ, thị phần, uy tín...Các nhân tố này có thể tác động tới nhu cầu thanh khoản tức thời (ngắn hạn) và xu hướng (dài hạn).
(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)