Bảo dưỡng khách sạn (Hotel maintenance) là gì? Các hình thức
Mục Lục
Bảo dưỡng khách sạn
Bảo dưỡng khách sạn trong tiếng Anh được gọi là Hotel maintenance.
Bảo dưỡng khách sạn được hiểu là những hoạt động can thiệp mang tính kĩ thuật nhằm duy trì hiệu quả hoạt động cao của tài sản trong một doanh nghiệp khách sạn như: toà nhà, máy móc, trang thiết bị, đồ dùng… trong việc thực hiện các chức năng hoạt động của chúng.
Cũng như công tác khác, để đánh giá về công tác bảo dưỡng, chúng ta phải sử dụng đến khái niệm hiệu quả.
Ở đây hiệu quả bảo dưỡng có thể xem xét như mối quan hệ giữa chi phí dành cho công tác bảo dưỡng với công suất sử dụng ổn định của một thiết bị và khả năng hoàn thành thường xuyên các chức năng của nó.
Yếu tố ảnh hưởng
Hiệu quả của công tác bảo dưỡng khách sạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Công tác bảo dưỡng ở khách sạn được tổ chức như thế nào?
- Trình độ tay nghề, chuyên môn kĩ thuật của công nhân phụ trách bảo dưỡng của khách sạn.
- Khả năng tài chính, phương tiện kĩ thuật và nhân lực mà khách sạn có thể huy động.
- Qui mô và chất lượng các trang thiết bị khách sạn hiện có.
- Thiết kế ban đầu của khách sạn.
- Điều kiện tự nhiên của môi trường xung quanh khách sạn (nhiệt độ, độ ẩm, gió, lượng mưa, số ngày nắng…)
Các loại hình bảo dưỡng khách sạn
Về mức độ, công tác bảo dưỡng khách sạn bao gồm các loại
- Bảo dưỡng
- Sửa chữa
- Thay mới
- Nâng cấp
Về thời gian có thể chia công tác bảo dưỡng thành 2 loại
- Bảo dưỡng định kì được tiến hành theo một kế hoạch đã được xây dựng chi tiết từ trước trên cơ sở những khảo sát và đánh giá sơ bộ về tình trạng của cơ sở vật chất kĩ thuật của khách sạn.
- Bảo dưỡng đột xuất được tiến hành ngay tại thời điểm xuất hiện sự cố, vì vậy nó nằm ngoài kế hoạch dự kiến ban đầu.
Để cho chất lượng công trình và các trang thiết bị của khách sạn luôn ở tình trạng hoạt động tốt, các khách sạn phải tổ chức tốt hoạt động bảo dưỡng.
Vì thế trong qui trình xây dựng khách sạn, giai đoạn tổ chức hoạt động bảo dưỡng được xem như một giai đoạn tiếp nối của các giai đoạn trên.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Kinh doanh Khách sạn, 2008, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)