Tính thích hợp (Appropriateness) của bằng chứng kiểm toán là gì?
Mục Lục
Tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán
Tính thích hợp hay tính hiệu lực trong tiếng Anh đươc gọi là appropriateness.
Tính thích hợp là khái niệm chỉ chất lượng hay độ tin cậy của bằng chứng kiểm toán.
Nội dung
Bằng chứng kiểm toán có thích hợp thì nó phải đảm bảo phù hợp (tính liên đới) và đáng tin cậy.
- Tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán nghĩa là bằng chứng này phải phù hợp với mục tiêu kiểm toán của kiểm toán viên. Tính phù hợp của bằng chứng kiểm toán phải được xem xét gắn liền với một mục tiêu cụ thể.
Ví dụ: Kiểm toán viên nghi ngờ khả năng nghiệp vụ bán hàng bị ghi trùng lặp làm doanh thu tăng. Sau đó, Kiểm toán viên chọn một mẫu hóa đơn bán hàng và thực hiện đối chiếu theo trình tự kế toán tới Nhật kí bán hàng, hóa đơn vận chuyển, biên bản giao hàng hóa.
Trong trường hợp này, bằng chứng do kiểm toán viên thu thập được không phù hợp với mục tiêu kiểm toán. Do đó, bằng chứng kiểm toán không đảm bảo tính thích hợp với mục tiêu kiểm toán nêu trên.
- Tính đáng tin cậy của bằng chứng kiểm toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn của thông tin được thu thập, thời điểm thu thập bằng chứng kiểm toán, chất luợng của hệ thống kiểm soát nội bộ,...
+ Bằng chứng thu thập được từ những nguồn bên ngoài công ty khách hàng thường đáng tin cậy hơn so với thu thập trong nội bộ.
Ví dụ: Kiểm toán viên thu thập kết quả phỏng vấn với luật sư của công ty khách hàng thì chất lượng kết quả phỏng vấn sẽ đáng tin cậy hơn so với bằng chứng phỏng vấn công ty khách hàng.
+ Thời điểm thu thập bằng chứng liên quan tới khi nào bằng chứng được thu thập hoặc kì liên quan tới cuộc kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán thường có độ tin cậy cao hơn khi kiểm toán viên thu thập bằng chứng kiểm toán càng gần với ngày lập báo cáo tài chính.
Ví dụ: Bằng chứng kiểm toán từ quan sát kiểm kê hàng tồn kho vào ngày 30/12 sẽ có độ tin cậy cao hơn nếu quan sát kiểm kê hàng tồn kho vào ngày 30/10 năm đó.
+ Hệ thống kiểm soát nội bộ của công ty khách hàng hoạt động có hiệu quả thì bằng chứng thu được từ nội bộ sẽ có độ tin cậy cao hơn so với trường hợp hệ thống kiểm soát nội bộ yếu.
Ví dụ: Nếu kiểm soát nội bộ đối với nghiệp vụ bán hàng và phát hành hóa đơn là hiệu lực thì kiểm toán viên có thể thu thập được bằng chứng hiệu lực từ hóa đơn bán hàng, chứng từ vận chuyển...
(Tài liệu tham khảo: Các khái niệm cơ bản thuộc nội dung kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)