Bảo đảm tín dụng (Credit Guarantee) là gì? Ưu điểm và hạn chế
Mục Lục
Bảo đảm tín dụng
Bảo đảm tín dụng trong tiếng Anh gọi là Credit Guarantee.
Bảo đảm tín dụng là việc các ngân hàng thiết lập cơ sở pháp lí và kinh tế, tạo điều kiện cho ngân hàng thỏa mãn nhu cầu thu hồi tín dụng đã cấp trong trường hợp người vay không thực hiện trả nợ theo qui định.
Như vậy với khái niệm trên cần chú ý:
- Cơ sở pháp lí: Hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh...
Khi nhận tài sản làm bảo đảm cho khoản vay, tài sản không thuộc quyền sở hữu của ngân hàng thương mại mà vẫn thuộc quyền sở hữu của khách hàng vay vốn hoặc thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba nào đó.
Mặc dù không thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, nhưng nếu khách hàng không thực hiện trả nợ theo quy định, ngân hàng có quyền phát mại tài sản để thu nợ. Hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản là cơ sở pháp lí để ngân hàng thực hiện quyền phát mại tài sản...
- Nguồn thu nợ thứ nhất: là nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (đối với các khoản vay cho mục đích sản xuất kinh doanh) hoặc nguồn thu nhập của người vay (đối với các khoản cho vay tiêu dùng)
Trong quan hệ bảo đảm tín dụng bao gồm các bên: bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm.
Nguyên tắc bảo đảm tín dụng
Thứ nhất, ngân hàng thương mại có quyền lựa chọn quyết định và cấp tín dụng có bảo đảm hoặc không yêu cầu phải có bảo đảm theo qui định của pháp luật.
Thứ hai, khách hàng vay được ngân hàng thương mại lựa chọn cấp tín dụng không có bảo đảm, nếu trong quá trình sử dụng vốn vay, ngân hàng thương mại phát hiện khách hàng vi phạm cam kết trong hợp đồng tín dụng, thì ngân hàng thương mại có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm hoặc thu hồi nợ trước hạn.
Thứ ba, ngân hàng thương mại có quyền xử lí tài sản bảo đảm tín dụng (tài sản của bên có nghĩa vụ hoặc tài sản của bên bảo lãnh) theo qui định của pháp luật liên quan để thu hồi nợ khi khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ đã cam kết.
Thứ tư, sau khi xử lí bảo đảm tín dụng, nếu khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh vẫn chưa thực hiện đủ nghĩa vụ trả nợ, thì khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết.
Ưu điểm của bảo đảm tín dụng
Thứ nhất, hạn chế rủi ro trong kinh doanh tín dụng của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi vốn từ nguồn thu nợ thứ hai khi nguồn thu nợ thứ nhất không thực hiện được. Theo đó, ngân hàng có thể bán đấu giá, hoặc xử lí tài sản theo thỏa thuận của các bên để thu hồi, giảm thiểu tổn thất tín dụng.
Thứ hai, gắn trách nhiệm vật chất của người vay trong quá trình sử dung vốn, hạn chế xu hướng rủi ro đạo đức. Khi khách hàng sử dụng tài sản để bảo đảm cho khoản vay, khách hàng phải có ý thức trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và hoàn trả nợ đầy đủ, đúng hạn để được ngân hàng giải chấp tài sản.
Thứ ba, bổ sung điều kiện để khách hàng được vay vốn, giúp ngân hàng thương mại mở rộng được tín dụng.
Hạn chế của bảo đảm tín dụng
Do quá ỷ lại vào bảo đảm tín dụng mà cán bộ tín dụng coi nhẹ khâu phân tích, đánh giá khách hàng vay vốn, bảo đảm tín dụng tốt nhưng ngân hàng vẫn có thể gặp rủi ro tín dụng
Ví dụ: khi khách hàng không có khả năng trả nợ, ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm để thu nợ nhưng giá trị thu hồi khi phát mại tài sản có thể không đủ để trang trải các chi phí cũng như nghĩa vụ nợ mà khách hàng chưa thực hiện hoàn trả được.
Có hai hình thức bảo đảm tín dụng chủ yếu: Bảo đảm bằng tài sản và bảo đảm bằng bảo lãnh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tín dụng Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, NXB Lao động- Xã hội)