1. Kinh tế học

Bồi thường trừng phạt (Punitive Damages) là gì?

Mục Lục

Bồi thường trừng phạt

Bồi thường trừng phạt trong tiếng Anh gọi là: Punitive Damages/ Exemplary damages.

Bồi thường trừng phạt hay Bồi thường thiệt hại theo hình thức trừng phạt là việc Toà án ấn định mức bồi thường rất cao đối với một thiệt hại nhỏ, nhằm trừng phạt những công ty sản xuất những hàng hoá gây nguy hiểm cho cộng đồng phải cẩn thận hơn. 

Ví dụ minh họa

Trong một vụ kiện ở Hoa Kỳ, một phụ nữ đã kiện công ty sản xuất thức ăn nhanh McDonald vì đã không lưu ý cho bà ta biết rằng cốc cà phê của bà mua là rất nóng. Bà đã kẹp cốc cà phê nóng này vào giữa hai chân, vừa uống vừa lái xe hơi, và vì vậy đã bị bỏng. 

Mặc dù chi phí chữa chạy vết bỏng chỉ 2000 USD, Toà án đã yêu cầu công ty McDonald phải bồi thường bà 2 triệu USD để trừng phạt "thái độ vô trách nhiệm đối với khách hàng". 

Theo hai giáo sư của Đại học Harvard Polinsky và Shavel (1999), bồi thường trừng phạt (punitive damages) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cách thức phòng chống ngăn ngừa thiệt hại xảy ra trong tương lai. 

Tuy nhiên các học giả này cũng cho rằng cuối cùng người gánh chịu thiệt hại sẽ là cổ đông của các công ty gây thiệt hại, trong khi họ không phải là người đáng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra. 

Như vậy, câu hỏi đặt ra cho các nhà nghiên cứu kinh tế luật trong tương lai là có nên áp dụng phương pháp bồi thường trừng phạt hay không? Kinh nghiệm cho thấy chỉ có Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt này. 

Tuy nhiên, cũng không có bằng chứng nào cho thấy các các nhà sản xuất sản phẩm tại Mỹ cẩn thận hơn các nhà sản xuất sản phẩm cùng loại tại Châu Âu hay Nhật đối với sản phẩm của mình. 

Ngược lại, việc áp dụng bồi thường trừng phạt lại tạo điều kiện cho những người cố tình chịu thiệt hại để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại gấp nhiều lần. 

Chính vì thế, gần đây các học giả Hoa Kỳ đã kêu gọi có một số cải cách luật pháp để việc bồi thường trừng phạt không bị lạm dụng, thí dụ như không cho phép người bị thiệt hại được hưởng toàn bộ tiền bồi thường, mà chỉ được một phần - phần còn lại sẽ được sung quĩ Nhà nước. 

Nhà nước cần cho phép cơ chế bảo hiểm trách nhiệm do bồi thường trừng phạt cho các doanh nghiệp, đồng thời cho phép các khoản chi bồi thường thiệt hại được khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Luật, TS. Lê Nết, NXB Tri thức, 2006)

Thuật ngữ khác