Doanh số bán hàng theo đơn vị (Unit Sales) là gì?
Mục Lục
Doanh số bán hàng theo đơn vị
Doanh số bán hàng theo đơn vị trong tiếng Anh là unit sales.
Doanh số bán hàng theo đơn vị đại diện cho tổng doanh số bán hàng mà một công ty kiếm được trong một kì báo cáo nhất định, và được biểu thị theo mỗi đơn vị sản phẩm đầu ra.
Thông thường, doanh số bán hàng theo đơn vị là số lượng hàng hóa vật chất (như số tấn than) được bán thay vì số lượng dịch vụ được cung cấp. Các phân tích lớn sử dụng doanh số bán hàng theo đơn vị để xác định mức giá cho phép thu được lợi nhuận lớn nhất trên mỗi đơn vị. Từ đó cân nhắc tới chi phí sản xuất.
Doanh số bán hàng theo đơn vị liên quan đến số doanh thu được tạo ra từ tổng số mặt hàng riêng lẻ được bán. Doanh số bán hàng theo đơn vị được kiểm tra qua các kì kế toán khác nhau như hàng tháng, hàng quí hoặc hàng năm. Việc phân tích doanh số bán hàng theo đơn vị là điều phổ biến trong các ngành sản xuất và ngành bán lẻ, hơn là so với ngành dịch vụ.
Ý nghĩa của doanh số bán hàng theo đơn vị
Doanh số bán hàng theo đơn vị là một con số hữu ích cho các nhà phân tích bởi vì nó giúp xác định giá trung bình của sản phẩm và tìm ra rủi ro gây ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận của công ty.
Ví dụ: Giả sử một công ty A có doanh thu 250 triệu đô la và đã bán được 5 triệu đơn vị sản phẩm, bằng cách chia doanh thu cho đơn vị đã bán (250 triệu đô la / 5 triệu đơn vị), ta được giá bán trung bình (ASP) là 50 đô la mỗi đơn vị. Giả sử trong kì báo cáo tiếp theo, công ty có ASP là 48 đô la. Các nhà phân tích sẽ coi đây là một tín hiệu xấu và phải đưa ra các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, việc so sánh doanh số bán hàng theo đơn vị hàng năm có thể giúp xác định xem công ty có đang đi theo chiều hướng tích cực hay không.
Ví dụ, Apple được dự đoán sẽ bán khoảng 235 triệu chiếc iPhone trong năm tài chính 2015 khi thị trường iPhone đang phát triển. Doanh số dự đoán này là một sự gia tăng đáng kể so với doanh số trong năm tài chính 2014 với khoảng 170 triệu đơn vị sản phẩm trên toàn thế giới. Điều này cho thấy công ty đang đi theo chiều hướng tích cực.
Điểm hòa vốn (BEP)
Một thành phần trong phân tích doanh số bán hàng theo đơn vị là khối lượng hòa vốn. Khối lượng hòa vốn thể hiện số lượng đơn vị phải được bán ra để không tạo ra lợi nhuận hoặc không lỗ từ quá trình sản xuất. Vì chi phí sản xuất có thể thay đổi dựa trên số lượng, giá của một đơn vị riêng lẻ có thể cần được điều chỉnh để đảm bảo công ty hòa vốn trên khoản đầu tư. Bất kì khoản doanh thu nào vượt quá điểm hòa vốn thì chính là lợi nhuận, còn khi rơi xuống dưới điểm đó thì coi là thua lỗ.
Phân tích điểm hòa vốn bao gồm các giả thiết khác nhau về chi phí cố định và chi phí biến đổi. Các giả thiết này có thể dẫn đến tính không chính xác trong đánh giá vì mối quan hệ giữa doanh thu và chi phí cố định hoặc chi phí biến đổi không phải lúc nào cũng tuyến tính. Ví dụ, có thể nhập được vật liệu với chi phí thấp hơn khi đặt một khối lượng hàng cao hơn, nhưng việc lưu trữ một số lượng lớn hơn có thể làm tăng chi phí cố định liên quan đến việc lưu trữ hàng tồn kho.
Ví dụ minh họa
Vào tháng 11 năm 2018, theo "DigitalIn informationWorld.com", Apple tuyên bố rằng họ sẽ không công bố doanh số bán hàng theo đơn vị trong báo cáo thu nhập của mình nữa. Tin tức này xảy ra sau khi Apple công bố lợi nhuận quý IV cao vượt quá mong đợi.
Trong trường hợp của Apple, doanh số bán hàng theo đơn vị hiện đang giảm do thị trường iPhone đang chậm lại, nhưng để chống lại sự năng động này, Apple đang tăng giá cho iPhone và các sản phẩm khác. Do đó, công ty đang tập trung vào cách tăng doanh thu với tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
Apple lo ngại rằng việc doanh số bán hàng theo đơn vị bị tiết lộ sẽ khiến các nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng bán thiết bị của Apple. Thay vào đó, công ty dự định tập trung vào doanh thu dịch vụ, chiếm 16% doanh thu hàng quí của Apple và tăng 17% so với năm trước, theo Jason Sonenshine, phóng viên thị trường của "TheStreet.com".
(Theo Investopedia)