1. Kinh doanh

Thu nhập khá từ chanh bông tím

Trước tình hình cây tiêu và một số loại cây trồng khác ở địa phương luôn trong tình trạng bấp bênh, mất mùa, mất giá, tìm hướng đi mới mang lại nguồn thu nhập ổn định là vấn đề anh Dũng luôn trăn trở. Qua tìm hiểu, nghiên cứu từ nhu cầu thị trường và thực tế tại địa phương, cách đây 3 năm, anh Dũng quyết định phá bỏ vườn tiêu để chuyển sang trồng chanh bông tím. Với 5 sào đất, anh Dũng đầu tư gần 45 triệu đồng mua 400 cây chanh giống về trồng.

Anh Võ Huy Dũng (bìa trái) ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp chia sẻ về việc chiết cành, nhân giống bán cho người dân trên địa bàn

Anh Dũng chia sẻ: “Đi nhiều nơi tôi thấy các quán ăn, giải khát đều có miếng chanh để nêm gia vị hoặc làm nước uống và hầu hết các gia đình đều sử dụng chanh hằng ngày. Bên cạnh đó, ở huyện biên giới Bù Đốp cũng chưa ai trồng chanh để bán với số lượng lớn, do đó tôi quyết định trồng giống chanh bông tím. Thực tế cho thấy, hướng đi này đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập khá và ổn định”.

Theo anh Dũng, cây chanh dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư không nhiều, sau 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch. Giống chanh bông tím hay còn gọi là chanh tứ quý cho thu hoạch 3 vụ/năm, mỗi vụ thu liên tục từ 20-25 ngày, sản lượng đạt khoảng 3,5-4 tấn, với giá bán bình quân từ 13-15 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, đầu ra ổn định, cứ đến vụ sau khi hái xong thương lái đến tận vườn thu mua ngay trong ngày. Với 5 sào chanh, mỗi năm gia đình anh Dũng thu hơn 150 triệu đồng.

Anh Dũng cho hay, thời điểm này, hiệu quả kinh tế của cây chanh ổn định hơn so với nhiều loại cây trồng khác ở địa phương. Ngoài thu trái, anh Dũng còn chiết cành, nhân giống để bán cho bà con mở rộng mô hình, cùng nhau phát triển kinh tế.

Chỉ với 5 sào đất, mỗi năm gia đình anh Võ Huy Dũng (bìa phải) ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp thu hơn 150 triệu đồng từ trồng chanh bông tím

Ông Hoàng Đức Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: “Anh Dũng là một trong những người đầu tiên ở xã trồng chanh bông tím và đã có đầu ra ổn định. Qua thực tế cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chúng tôi sẽ tổ chức cho một số hội viên tham quan, học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo hội viên không mở rộng ồ ạt”.

Từ mô hình trồng chanh bông tím của hộ anh Dũng cho thấy, việc nắm bắt thị trường và lợi thế địa phương để phát triển kinh tế là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan phát triển ồ ạt, tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến trồng rồi chặt.

Văn Đoàn

Tin khác