Thủ lĩnh Hà Nhì nơi ngã ba biên giới (bài 2)
Người cán bộ trong lòng dân
Trên con đường dẫn chúng tôi đến bản A Pa Chải, anh Pờ Ly Hoa - cán bộ trẻ ở xã Sín Thầu không ngừng tấm tắc ngợi ca về tấm lòng cũng như sự nhiệt huyết của ông Sừng Sừng Khai với người dân bản A Pa Chải nói riêng và xã Sín Thầu, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) nói chung. Chỉ tay về phía cánh đồng lúa đang kỳ thu hoạch, anh Hoa tâm sự: “Khi bằng tầm tuổi mình bây giờ, ông Sừng Sừng Khai đã mạnh dạn tiên phong khai hoang trồng lúa nước; vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác đã ăn sâu vào nếp nghĩ từ bao đời. Nhờ vậy mới có được những cánh đồng lúa rộng thênh thang và chín vàng rộ như vậy. Quả thực, lớp lớp thế hệ trẻ như mình rất khâm phục và luôn nhớ ơn những đóng góp của ông đối với mảnh đất này…”.
Ngược dòng thời gian trở về năm 1986, lúc đó mỗi xã biên giới đều có 1 Trung đội dân quân cơ động trực thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Ông Sừng Sừng Khai được phân công quản lý Trung đội dân quân cơ động xã Sín Thầu. Năm 1987, Trung đội giải thể, ông Khai xuất ngũ và trở về gia đình xây dựng kinh tế. Đến năm 1992, ông được chính quyền và nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng bản. Sau gần 7 năm trên cương vị trưởng bản, ông Khai tiếp tục được nhân dân tin tưởng, bầu giữ nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền xã như: Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, rồi luân chuyển giữ chức Bí thư Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn.
Trải qua nhiều cương vị công tác, nhưng dù ở vị trí nào, ở đâu, ông Khai cũng luôn hết lòng vì nhiệm vụ, vì nhân dân. Ông Khai bày tỏ: “Trong những năm còn công tác tại địa phương, tôi vừa làm ruộng, chăn nuôi, vừa đảm nhiệm công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó. Có những thời điểm khối lượng công việc lớn, áp lực nhiều, thế nhưng, tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hết mình để thu xếp, lo liệu công việc thật tốt, sao cho việc nào cũng phải hoàn thành. Ngoài giờ hành chính, tôi lại quay trở về làm một người nông dân bình thường, cũng lội ruộng, làm đồng và chăn bò, cắt cỏ như bao người dân khác ở nơi ngã ba biên giới này”.
Được người dân và cấp trên tin tưởng, ông Khai vừa nghiên cứu nghị quyết, vừa tìm hướng đi để giúp người dân vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo. Với vai trò người đứng đầu, người cán bộ này đã mạnh dạn tiên phong trở thành “đầu tàu” từ việc khai hoang ruộng lúa nước cho đến làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, dân bản nói riêng và người dân xã Sín Thầu, Leng Su Sìn nói chung đã học theo ông Khai phát triển kinh tế.
Nhận xét về người cán bộ có thời gian là cấp trên trực tiếp của mình, ông Lỳ Phì Cà, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu (ông Cà là Phó Chủ tịch UBND xã thời điểm ông Sừng Sừng Khai là Chủ tịch UBND xã Sín Thầu) nhận định: “Từ khi còn làm một trưởng bản, khi bắt tay vào công việc, anh Khai luôn khẳng định được năng lực của bản thân. Vì vậy, dù trải qua nhiều cương vị, ở đâu, anh Khai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp nhiều cho địa phương và cộng đồng. Những việc làm của anh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân biên giới về một người lãnh đạo nhiệt huyết, năng động và vì dân”.
Lan tỏa cách làm giàu
So với các mô hình phát triển kinh tế VACR khác trong cả nước, có thể mô hình kinh tế của gia đình ông Sừng Sừng Khai không lớn về quy mô cũng như tổng mức thu nhập. Thế nhưng, ở nơi điều kiện khắc nghiệt như xã Sín Thầu và cách đây vài thập kỷ, có người dám nghĩ, dám làm, giúp thay đổi tư duy cho bà con trong canh tác sản xuất, chăn nuôi như ông Khai là điều rất đáng trân trọng.
Ông Lỳ Lỳ Sinh, Trưởng bản A Pa Chải chia sẻ: “Về làm lúa hay chăn nuôi, ông Khai không hề học qua trường lớp nào cả mà chỉ có kinh nghiệm tích lũy được từ quá trình sản xuất. Từ những kiến thức đúc rút được, ông Khai luôn chia sẻ cho dân bản từ cách trồng lúa nước cho đến kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho trâu, bò... Thậm chí, khi bà con gặp khó khăn do chưa có cây, con, hạt giống, công cụ để sản xuất, ông cũng luôn sẵn lòng hỗ trợ để giúp đỡ mọi người cùng phát triển...”.
Ở Sín Thầu, có 2 cán bộ được ví như “cây đại thụ’, “thủ lĩnh” cả về thực tiễn và tinh thần là: Pờ Dần Sinh và Sừng Sừng Khai. Thời kỳ còn gian khó, cả hai ông đều có xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng. Khi ông Khai có điều kiện kinh tế phát triển trước, đã cho ông Sinh “vay” bò, để dần dần Pờ Dần Sinh cũng vươn lên trở thành một trong những hộ gia đình thuộc nhóm chăn nuôi trâu, bò nhiều nhất nơi ngã ba biên giới. Một “triệu phú chăn nuôi” khác ở Sín Thầu là ông Chang Váng Sinh, thời điểm đầu cũng không làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò tập trung. Đến khi được ông Khai vận động, ông Váng Sinh làm theo và từng bước phát triển chăn nuôi đại gia súc tại bản A Pa Chải, rồi sau đó mới đến phát triển “đại bản doanh” tại bản Tá Miếu. Giờ đây, dẫu đã nghỉ công tác, hưởng hưu trí tại địa phương song ông Khai vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi cho mọi người trong bản và xã. Việc truyền cảm hứng về trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc của ông Khai đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con nơi đây. Đến nay, hầu hết người dân bản A Pa Chải nói riêng và xã Sín Thầu nói chung đều có kinh nghiệm làm ruộng cũng như chăn nuôi trâu, bò. Toàn xã hiện có hàng trăm hộ nuôi trâu, bò và có tới hơn 10 trang trại quy mô vừa và nhỏ; góp phần phát triển nghề chăn nuôi gia súc trên vùng đất Sín Thầu.
Ở nơi xa xôi nhất trên dải biên cương Mường Nhé, sự nỗ lực không ngừng, phẩm chất thủ lĩnh, tinh thần vì cộng đồng của ông Sừng Sừng Khai đã tiếp thêm nghị lực cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, góp phần đưa Sín Thầu trở thành xã đầu tiên của huyện biên giới Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới. Miền biên viễn cực Tây từng bước “thay da đổi thịt” có dấu ấn khó phai mờ của thủ lĩnh Hà Nhì Sừng Sừng Khai.
Bài, ảnh: Phạm Quang