1. Kinh doanh

Thu 400-500 triệu/năm nhờ nuôi loại 'thủy quái' này

Tiên phong trong nuôi ba ba gai

Năm 1974, ông Nguyễn Đức Long (khi ấy mới 7 tuổi) đã cùng gia đình rời quê hương Thái Bình lên xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, huyện Yên Bái) để xây dựng vùng kinh tế mới rồi gắn bó với mảnh đất nơi đây.

Ban đầu khi mới từ Thái Bình lên huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), gia đình ông chủ yếu làm nương, trồng chè, sau đó phát triển mô hình trồng cam.

Năm 1990, ông Long xây dựng gia đình và tiếp tục duy trì mô hình trồng cam. Tuy nhiên mô hình này không đem lại hiệu quả kinh tế, qua tìm tòi học hỏi, đến năm 2002, ông bắt tay vào mô hình nuôi ba ba.

Ban đầu khi đến với mô hình này, do chưa có kinh nghiệm nên ba ba hay mắc bệnh; bởi vậy, ông Long cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Nhưng dần dần, do chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước nên ông đã khắc phục được những căn bệnh thường gặp.

Khi đã đi vào ổn định, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi ba ba mang lại, ông đã nhân rộng mô hình và duy trì từ đó đến nay.

Ông Nguyễn Đức Long (thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) bắt tay vào nuôi ba ba gai từ năm 2002. Ảnh: Hà Thanh.

Cùng với đó, ông đã chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp nhiều hộ phát triển mô hình nuôi ba ba tại địa phương.

Ông Long hiện là Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi ba ba gai với gần 30 hộ tham gia. Riêng, gia đình ông Long đang có 1.500m2 diện tích mặt nước nuôi ba ba với khoảng hơn 200 con ba ba cái sinh sản.

Ông Long cho biết, về kỹ thuật ao nuôi thì tương đối đơn giản, chỉ cần xây bờ để ba ba không bò ra là được, nhưng phải đảm bảo có nước ra vào thường xuyên và phải sạch.

Hiện gia đình ông Long có khoảng 1.500m2 diện tích mặt nước để nuôi ba ba gai, loài bò sát ví như "con thủy quái đặc sản". Ảnh: Hà Thanh.

"Trong quá trình nuôi ba ba cần đặc biệt lưu ý thời kỳ ba ba mới ấp nở thành con, vì thời điểm đó ba ba con hay bị nấm đốm trắng ở lưng, nếu không phát hiện kịp thời rất dễ chết, tuy nhiên nếu biết cách chữa thì lại rất đơn giản. Còn khi ba ba gai lớn hơn thì lại hay mắc bệnh bã đậu, nhưng chỉ cần tiêm kháng sinh một mũi là khỏi.", ông Long chia sẻ thêm.

Thông thường, thời gian từ lúc ba ba mới ấp nở thành con đến khi sinh sản kéo dài khoảng 4 năm. Tuy nhiên, để được thu hoạch con giống thì phải kéo dài 7 – 8 năm.

Thức ăn của ba ba chủ yếu là cá, ở giai đoạn ba ba gai còn nhỏ thì cần luộc chín và băm thức ăn để ba ba dễ ăn hơn và tránh bệnh tật. Trung bình, lượng thức ăn dung nạp mỗi ngày của một con ba ba bằng 1% trọng lượng cơ thể của nó.

Với ba ba con sẽ cho ăn ngày 1 lần, còn ba ba trưởng thành thì 2 - 3 ngày mới cho ăn một lần. Với nguồn thức ăn như vậy, trung bình mỗi năm chi phí thức ăn cho ba ba của gia đình ông Long hết khoảng 40 – 50 triệu đồng.

Khi ba ba gai bắt đầu bước vào thời kỳ sinh sản, cần làm hố cát trên cạn để ba ba bò lên đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, ba ba đẻ 3 lứa vào các tháng 4, 5, 6.

Sau khi ba ba đẻ xong sẽ tiến hành bới trứng lên và đem về ấp trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 30oC và độ ẩm đạt từ 30 – 40%, sau khoảng 70 ngày trứng ba ba sẽ nở thành con. Thông thường, tỷ lệ trứng nở thành con đạt khoảng 90%. Với 200 con ba ba cái, mỗi năm sẽ cho khoảng vài nghìn ba ba giống.

Trứng ba ba gai đặc sản sẽ nở thành con sau khoảng 70 ngày đưa vào ấp trong cát ở điều kiện nhiệt đô, độ ẩm thích hợp. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, thị trường bán ba ba giống của gia đình ông Long chủ yếu đi một số tỉnh như Hải Dương, Thái Bình…

Khi bán giống cho bà con, ông Long sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm chi người nuôi, để hạn chế tối đã những rủi ro có thể xảy ra.

Thời điểm giá cao, ba ba gai giống được gia đình ông Long bán với giá 810.000 đồng/con mới nở. Ảnh: Hà Thanh

Đầu năm 2024, gia đình ông Long bán ba ba gai giống với giá 100.000 đồng/con, nhưng đến hiện tại chỉ còn 40.000 đồng/con.

Lúc được giá, ông Long bán con ba ba giống với giá 810.000đ đồng/con khi vừa mới nở, còn trung bình từ 200.000 – 400.000 đồng/con.

Thời điểm ba ba được giá, trung bình mỗi năm gia đình ông Long thu về khoảng 300 – 400 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do giá ba ba xuống thấp nên mỗi năm gia đình ông chỉ đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình vườn - ao - chuồng

Tận dụng lợi thế đất đai, vườn đồi rộng rãi, bên cạnh nuôi ba ba, gia đình ông Long còn nuôi thêm gà thịt chủ yếu là gà ta lai gà đen với sản lượng xuất bán mỗi năm khoảng 20 tấn.

Ngoài ra, ông còn kết hợp trồng thanh long với số lượng lớn. Mới đây, ông Long còn bắt tay vào thử nghiệm mô hình nuôi nhím với số lượng vài chục con.

Mô hình gà ta lai gà đen được gia đình ông Long nuôi để bán thương phẩm với sản lượng khoảng 20 tấn mỗi năm. Ảnh: Hà Thanh

Với mô hình kinh tế tổng hợp như hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Long có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.

Đồi trồng thanh long đẹp ngút mắt của gia đình ông Long. Ảnh: Hà Thanh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ái Nhi – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) khẳng định: Trên địa bàn xã Nghĩa Tâm có rất nhiều mô hình chăn nuôi vườn ao chuồng, trong đó nổi bật có mô hình của ông Nguyễn Đức Long ở thôn Khe Tho, kết hợp nuôi giữa ba ba, gà, nhím và trồng thanh long.

Đây là một trong những mô hình đem lại thu nhập rất cao cho gia đình trong những năm qua. Từ mô hình này, địa phương cũng đã nhân rộng ra các thôn bản trên địa bàn xã, đến nay đã có rất nhiều mô hình tương tự như vậy.

Mô hình nuôi nhím-thêm một con đặc sản mới được ông Long đưa vào thử nghiệm. Ảnh: Hà Thanh

Đối với Tổ hợp tác nuôi ba ba gồm có hơn 30 thành viên do ông Long làm tổ trưởng, ngoài ra các tổ nuôi nhím, nuôi gà đều được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình, góp phần cùng với địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo Hà Thanh - Kiều Hải/Dân Việt

Tin khác