1. Kinh doanh

Thoát nghèo từ mô hình nuôi heo rừng

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nhiễm mặn duyên hải Trà Vinh, trước đây khi hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư, việc phát triển kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên chị Thạch Hồng Thanh cũng như nhiều lao động nông thôn đã đến tìm việc tận tỉnh Đồng Nai. Đến năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, vợ chồng chị không quay lại công ty nữa và tìm kiếm mô hình phụ hợp xây dựng kinh tế gia đình tại quê nhà.

Từ sự hỗ trợ vốn ưu đãi 15 triệu đồng của Hội liên hiệp nữ, cộng với số vốn tích lũy được chị Thanh quyết định mua 6 con giống heo rừng để khởi nghiệp. Tuy nhiên, quá trình nuôi ban đầu chị gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên đàn heo rừng chậm lớn, lãi thu về không cao. Không nản lòng, vợ chồng chị quyết tâm vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm. Được Hội phụ nữ xã hỗ trợ, tạo điều kiện đi tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi có hiệu quả, chị tiếp tục đầu tư mở rộng.

Chị Thạch Hồng Thanh với đàn heo rừng đang phát triển

Chị Thạch Hồng Thanh cho biết: “Đi làm xa nhà lâu quá thấy thương các con nên quyết định tạo lập kinh tế tại quê nhà. Thời gian đầu nuôi cũng khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, nhưng quyết không từ bỏ vì thức ăn của heo rừng là những phụ phẩm tại quê rất dồi dào, giá không đáng kể như vỏ mít, vỏ chuối, rau muống, dây lang, các củ, trái vụn… chỉ bổ sung cám gạo là đủ”.

Từ khi được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, được đi tham quan học hỏi, chị Thạch Thị Thanh thực hiện phương thức nuôi heo rừng theo hướng an toàn hữu cơ. Sau gần 3 thả giống, lứa heo rừng đầu tay đã được xuất chuồng trong niềm vui khó tả, trừ mọi khoản chi phí con giống, thức ăn, công chăm sóc gia đình chị thu lãi vài chục triệu đồng. Chị Thanh chia sẻ, vì có nguồn gốc hoang dã nên heo rừng ít bị bệnh, tuy nhiên đối với heo mẹ phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc để việc phối giống, heo con phát triển đồng đều.

“Đối với heo mẹ khi thấy có biểu hiện khác thường, hay cắn phá là dấu hiệu là bắt đầu động dục, khi đó mình đưa cho ở chung với heo đực là được. Đến khi thụ thai thì tách heo đực ra để heo mẹ ở nơi ít người qua lại” - chị Thanh nói.

Đàn heo rừng của chị Thạch Hồng Thanh gần tới ngày xuất bán

Hiện nay, gia đình chị Thanh đang nuôi 24 con heo rừng, trong đó có 7 heo nái và 2 heo đực giống. Mỗi đợt nuôi tầm 6 tháng, heo xuất bán ra thị trường có trọng lượng từ 13 - 15 kg, với giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg đối với heo thịt và từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/con đối với heo giống, sau khi trừ các khoản chi phí trung bình mỗi năm thu lãi từ 50 - 65 triệu đồng.

Chị Lâm Thị Quyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đôn Châu khẳng định, đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, ít rủi ro, rất phù hợp với các hộ nông thôn có nhiều phụ phẩm nông nghiệp. Hướng tới, xã tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, đặc biệt là các hộ ít đất sản xuất, hộ nghèo để họ có điều kiện chăn nuôi ổn định cuộc sống.

“Chị Thanh là hội viên phụ nữ, mô hình nuôi heo rừng của chị hiện rất hiệu quả, từ 6 con heo ban đầu nay đã tăng lên đáng kể. Hướng tới, Hội phụ nữ xã sẽ tổ chức tập huấn cho những hội viên có điều kiện, mong muốn thực hiện mô hình này để nhân rộng” - chị Lâm Thị Quyền nói.

Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, chị Thạch Hồng Thanh được Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ xã Đôn Châu xét đề nghị chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH huyện biểu dương là hộ vay vốn điển hình trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Thạch Trà Vinh/VOV-ĐBSCL

Tin khác