Chị Quỳ tâm sự, lớp dạy may 0 đồng là dự định chị đã ấp ủ từ lâu. 12 năm trước, chị từ quê Đồng Nai lên TP.HCM làm công nhân, lúc ấy tay nghề may còn yếu. Sau một thời gian, nữ công nhân nghỉ việc, sinh con rồi quyết định sắm chiếc máy may để tự mày mò, học thêm tại nhà và mở tiệm may. Đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chẳng may chị bị nhiễm bệnh giai đoạn đầu và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Sau thời gian chiến đấu, chị vượt qua "cửa tử" và cũng từ lúc ấy trong chị như có thêm nguồn năng lượng, động lực để quyết tâm thực hiện dự định về tiệm may nghĩa tình theo ý nguyện bấy lâu.
Người phụ nữ 40 tuổi cho biết, thời gian đầu mở lớp, chị nhận được một số ý kiến trái chiều về việc lo “chuyện bao đồng”. Theo thời gian nhận thấy lớp học may giúp ích được nhiều người, bạn bè, hàng xóm, gia đình,… ủng hộ chị nhiều hơn.
Video: Tiệm may nghĩa tình của chị Quỳ giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập.
Ban đầu, các học viên tại lớp đa số là chị em phụ nữ ở địa phương, dần theo thời gian người này truyền tai người kia, nhiều người ở nơi xa tìm đến xin học mỗi lúc một đông hơn.
Không giới hạn độ tuổi, đến tham gia lớp có khi là sinh viên, các chị em nội trợ, phụ nữ trung niên hay cả người khuyết tật. Tất cả đều chung niềm đam mê với việc may vá, mong muốn học nghề để xin vào làm ở các công ty, nhận hàng về nhà tự may kiếm thêm thu nhập hoặc mở tiệm riêng.
Tiệm may nghĩa tình của chị Quỳ mở cửa hoạt động mỗi ngày để bất cứ ai rảnh rỗi đều có thể tham gia học.
Không chỉ không nhận học phí mà tất cả máy móc, dụng cụ, vải,… để học viên thực hành đều được chị Quỳ chuẩn bị miễn phí.
“Giai đoạn đầu mở lớp mình chỉ có một máy may, dụng cụ học còn hạn chế nên chưa dám phổ biến về lớp rộng rãi. Sau thời gian, mình được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phạm Văn Hai hỗ trợ 5 chiếc máy may và từ đó đăng tải thông tin lên mạng xã hội để mọi biết đến lớp học nhiều hơn”, chị Quỳ chia sẻ.
Ở tiệm may nghĩa tình, học viên được chị Quỳ hướng dẫn cách sử dụng các loại máy may, máy vắt sổ, học cắt, ráp vải, sáng tạo các kiểu quần áo….
Tùy vào nhu cầu của từng người mà thời gian học sẽ khác nhau. Đối với học viên muốn xin vào các công ty thì chỉ cần học sử dụng máy trong khoảng 2-3 ngày. Riêng những chị em muốn mở tiệm thì phải học khoảng 2 tháng mới có thể thuần thục tay nghề.
Một học viên “đặc biệt” - chị Tuyết Khoa (28 tuổi, ngụ Bình Chánh) - khi biết đến lớp học may qua mạng xã hội đã tìm đến. Chị Khoa không nghe, không nói được nên mọi trao đổi được cô trò thể hiện bằng cử chỉ hoặc viết ra giấy.
Chị Khoa cho biết mong muốn học may để có thể xin vào công ty may làm việc, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.
Đến với tiệm may nghĩa tình, nhiều chị em không chỉ được đào tạo để phát triển tay nghề mà còn trở nên gắn kết, thân tình, chia sẻ những chuyện buồn vui trong cuộc sống.
Một số chị em sau khi “tốt nghiệp” tại lớp học may 0 đồng đã mua máy may riêng, nhận đơn hàng làm tại nhà. Những ai chưa có điều kiện mua máy, có thể đến tiệm may của chị Quỳ sử dụng máy để làm.
"Để theo đuổi được nghề may, ngoài sự khéo léo, đam mê, người thợ cần có sự kiên trì, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo những mẫu quần áo đẹp", chị Quỳ chia sẻ.
Trước đây bà Phạm Thị Điều (56 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) làm công nhân cho một công ty, sau khi về hưu bà tìm đến lớp học may của chị Quỳ với dự định khi may thuần thục sẽ sắm máy, nhận hàng về làm. “Sau hai tuần học, tôi đã có thể sử dụng máy vắt sổ, máy một kim và sẽ tập tành sử dụng máy hai kim”, bà hào hứng.
Mỗi tuần tham gia lớp học từ 2-3 buổi được khoảng một tháng nay, bà Dương Thị Lệ (53 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Tôi đến đây học không phải tốn bất cứ chi phí nào, mọi vật dụng, vải vóc đều được Quỳ chuẩn bị sẵn. Sau thời gian học tôi đã có thể cắt may những vật nhỏ, sửa quần áo”.
Ngoài lớp học may 0 đồng, chị Quỳ còn nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác như lớp học tình thương cho trẻ em, kết hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phạm Văn Hai làm cửa hàng áo dài 0 đồng, đồ sơ sinh-mẹ bầu 0 đồng, xe lăn 0 đồng dành cho người khuyết tật, tham gia bếp ăn từ thiện để chia sẻ những phần cơm, xôi 0 đồng đến mọi người,…
Nói về dự định tương lai, chị Quỳ cho biết: “Mình không chỉ mong muốn duy trì tiệm may nghĩa tình cùng những hoạt động thiện nguyện hiện tại mà còn ấp ủ phát triển thêm nhiều chương trình 0 đồng khác để giúp người, giúp đời nhiều hơn".
NHẬT DIỄM- HẠ UYÊN
Tin khác