1. Kinh doanh

Thị trường rượu vang Việt Nam được định giá hơn 382 triệu USD

Theo Strategy Helix Group, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam thúc đẩy sức mua cao hơn và nhu cầu lớn hơn đối với rượu vang cao cấp và nhập khẩu. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm 15% trong tổng số 100 triệu dân, đến năm 2026, tỷ lệ được dự đoán sẽ tăng gấp đôi.

Nếu như trước đây, chỉ người từ 50 tuổi trở lên mới chọn vang như một giải pháp thay thế đồ uống có nồng độ cồn cao thì trong 5 năm trở lại đây, thị trường ngày càng được thúc đẩy bởi những người dùng từ 35 tuổi. Hiện tại, người tiêu dùng trẻ tuổi cũng thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với rượu vang, ưa chuộng vang hơn các loại đồ uống có cồn truyền thống.

Ông Miguel Ángel Valverde Menchero (giữa) chia sẻ về thị trường rượu vang Việt Nam

Đánh giá về tiềm năng thị trường rượu vang tại Việt Nam, ông Miguel Ángel Valverde Menchero, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Ciudad Real (Tây Ban Nha), Chủ tịch Hội chợ Rượu vang Tây Ban Nha (FENAVIN 2025), cho biết, thị trường rượu vang Việt Nam rất tiềm năng và có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Thông qua FENAVIN 2025, Tây Ban Nha mong muốn tìm kiếm đối tác phân phối tại Việt Nam. “Tuy không phải là thị trường khổng lồ nhưng trên đà phát triển và rất hấp dẫn. Do đó, chúng tôi cũng có chiến lược tập trung vào Việt Nam”, ông nói thêm.

Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều thử thách, đầu tiên phải nói đến việc làm giả tràn lan. Theo đại diện Ciudad Real, rượu vang giả làm rất giống thật, họ làm giả nhưng rất tốt. Cái khó của Tây Ban Nha là phải tìm được đối tác tin tưởng và đồng hành, đưa sản phẩm chất lượng đến người dùng.

Thị trường rượu vang Việt Nam không thiếu sự cạnh tranh. Những dòng vang đến từ Pháp, Ý, Chile và Úc đã có chỗ đứng vững chắc nhờ chiến lược quảng bá mạnh mẽ. “Việc thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam, vốn đã quen thuộc với những thương hiệu nổi tiếng chuyển sang ưa chuộng vang Tây Ban Nha sẽ không dễ dàng”, ông Menchero nói.

Hải Hồ

Tin khác