1. Kinh doanh

Thị trường bán lẻ bùng nổ và cạnh tranh khốc liệt

Robot tại Co.opXtra Long Bình thu hút khách hàng

Ngành bán lẻ Việt Nam đang bùng nổ với tốc độ chưa từng thấy, thu hút sự chú ý của không chỉ doanh nghiệp (DN) trong nước mà còn từ các tập đoàn nước ngoài.

Việt - Nhật - Thái giành nhau thị phần

Trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ, các DN bán lẻ lớn đang tranh đua quyết liệt để chiếm lĩnh thị phần bằng cách không ngừng mở rộng mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Một trong những DN dẫn đầu lĩnh vực này là Saigon Co.op - nhà bán lẻ lớn hàng đầu của Việt Nam, với kế hoạch đầy tham vọng. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi không chỉ nhắm tới việc mở rộng mạng lưới với mục tiêu đạt 900 điểm bán vào cuối năm 2024, mà còn tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa. Điển hình, Co.opXtra Long Bình - thành viên mới nhất trong hệ thống, đã áp dụng robot AI để cải thiện trải nghiệm của khách hàng”.

Saigon Co.op không chỉ mở thêm chuỗi cửa hàng mà còn tích cực đổi mới nhằm cải thiện dịch vụ và mở rộng mô hình kinh doanh hiện đại. Với sự phát triển của điện toán và các dịch vụ giá trị gia tăng, Saigon Co.op đang nỗ lực duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường bán lẻ đầy cạnh tranh.

Không chỉ có DN trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng không ngừng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam. Đơn cử là Tập đoàn Aeon đến từ Nhật Bản, vốn đã xem Việt Nam là thị trường chiến lược thứ hai chỉ sau chính quốc. Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết: “Aeon xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm để phát triển bán lẻ tổng hợp. Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm địa điểm mới và hợp tác với các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam để triển khai mô hình bán lẻ hiện đại. Mục tiêu dài hạn của Aeon là tạo ra nhiều “điểm chạm” hơn với người tiêu dùng, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cộng đồng”.

Trong năm 2024, Aeon khai trương nhiều siêu thị lớn tại TP.HCM và Huế, cùng với kế hoạch mở thêm cửa hàng tại Hà Nội và các địa phương khác. Việc này không chỉ giúp Aeon củng cố vị thế mà còn thể hiện cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ là Central Retail của Thái Lan cũng đang mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Central Retail đã cam kết đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, từ 300 lên 600 vào năm 2027. Điều này phản ánh tầm nhìn dài hạn của các tập đoàn nước ngoài tế đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, vốn đang ngày càng trở nên sôi động và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Không đứng ngoài “cuộc chơi”, các chuỗi cửa hàng nội địa khác như WinCommerce và Bách hóa Xanh cũng trong cuộc đua mở rộng mạng lưới cửa hàng với tốc độ nhanh chóng: WinCommerce với mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030, Bách Hóa Xanh dự kiến mở thêm 100 cửa hàng trong năm tới, không chỉ tập trung vào khu vực miền Nam mà còn mở rộng ra miền Trung và miền Bắc.

Thương mại điện tử: Giao hàng nhanh là thắng

Sự phát triển của tầng lớp trung lưu và xu hướng đô thị hóa không chỉ tác động tới bán lẻ mà còn tạo ra bước chuyển mình quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Sự gia tăng nhanh chóng của TMĐT đang thay đổi hoàn toàn cách thức cạnh tranh trong ngành bán lẻ.

Thị trường bán lẻ Việt Nam bùng nổ do tăng dân số, tầng lớp trung lưu mở rộng, đô thị hóa và sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tiêu dùng hiện đại.

Theo thống kê, doanh thu từ TMĐT tại Việt Nam đạt khoảng 16 tỷ USD vào năm 2022, tăng 20% so với năm trước, và dự báo sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025. Điều này cho thấy sự bùng nổ mạnh mẽ của mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, nhất là sau đại dịch Covid-19. Ông Olivier Langlet - Tổng giám đốc Central Retail Việt Nam, chia sẻ: “Để cạnh tranh hiệu quả trong lĩnh vực bán lẻ, các DN không chỉ mở rộng mạng lưới cửa hàng mà còn tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm khách hàng trực tuyến và tối ưu hóa quy trình giao hàng. Đào tạo và phát triển nhân lực cũng là yếu tố quan trọng trong chiến lược này”.

Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã tạo ra một sân chơi mới cho DN bán lẻ. Các nhà bán lẻ WinMart (tên cũ VinMart), Lotte Mart và Mega Mart đã đẩy mạnh đầu tư vào nền tảng TMĐT, không ngừng cải tiến giao diện và quy trình đặt hàng để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dịch vụ giao hàng nhanh chóng và linh hoạt cũng đang trở thành yếu tố then chốt giúp DN giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Theo các chuyên gia, cuộc đua trên thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ tạo ra cơ hội cho các DN lớn mà còn mở ra không gian cho những thương hiệu nội địa tiềm năng. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này, các DN cần có chiến lược đầu tư bài bản, sáng tạo trong việc tiếp cận thị trường và thích ứng linh hoạt với xu hướng tiêu dùng mới. Bởi thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ hấp dẫn bởi quy mô lớn mà còn vì sự chuyển đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng. Việc nắm bắt kịp thời cơ hội từ TMĐT và mô hình bán lẻ mới sẽ giúp DN duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngược lại, những DN chậm chân sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.

Theo báo cáo từ Mordor Intelligence, quy mô thị trường Việt Nam liên tục mở rộng, dự báo sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2025 và có thể tăng lên 435,59 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên đến 12,05%. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Với dân số hiện tại khoảng 98,9 triệu người và dự kiến vượt mốc 100 triệu vào năm 2025, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ.

Theo Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng trung bình 8,5% mỗi năm từ 2017 đến 2022, cao nhất khu vực Đông Nam Á và gần gấp đôi so với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu. Điều này đã trực tiếp góp phần vào sự gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng đến 44,4% trong cùng giai đoạn.

Minh Hào

Tin khác