1. Kinh doanh

Thế hệ kế nhiệm Mark Zuckerberg, Elon Musk đang ở đâu?

Trong suốt nhiều thập kỷ, Thung lũng Silicon luôn say mê với những nhà sáng lập trẻ tuổi, nổi loạn và tham vọng thay đổi thế giới.

Thế hệ bùng nổ dân số (Boomers) có Bill Gates, Steve Jobs, và Jeff Bezos. Thế hệ X sản sinh ra những cái tên như Sergey Brin, Elon Musk, Travis Kalanick, Peter Thiel. Millennials có Mark Zuckerberg, Whitney Wolfe Herd, Brian Chesky và thậm chí cả những cái tên gây tranh cãi như Elizabeth Holmes và Sam Bankman-Fried.

Họ là những người đã phá vỡ các chuẩn mực, xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu và trở thành tỷ phú vào đầu những năm 20 tuổi.

Giờ đây, những người lớn tuổi nhất của thế hệ Z đã bước sang tuổi 27, nhưng vẫn chưa có “Zoomer Zuck” nào xuất hiện. Thế hệ này bị gán nhãn là thích được nuông chiều, thiếu quyết tâm và không hứng thú với cuộc đua công nghệ.

Giới công nghệ không còn như xưa

Trong khi thế hệ Millennials xây dựng những thương hiệu mạnh mẽ, Gen Z lại bị chỉ trích vì chỉ ưa thích những công việc dễ dàng và không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực. Phương châm “move fast and break things” (đi nhanh và phá vỡ mọi thứ) của thế hệ trước, giờ đây với Gen Z lại trở nên xa lạ.

Tuy nhiên, theo Business Insider, không phải thế hệ Z thiếu tài năng hay nỗ lực. Họ đang đối diện với một thế giới công nghệ rất khác so với những người đi trước. Khi thế hệ Boomers hay Millennials khởi nghiệp, công nghệ vẫn còn là một vùng đất hoang sơ chưa được khám phá.

Thời đó, Internet gần như vô luật, chính là cơ hội xây dựng những công ty như Facebook, Uber, Instagram. Sự ra đời của iPhone cũng tạo nên bước ngoặt lớn cho xã hội. Cột mốc này biến những ý tưởng như Uber, Instagram và Bumble trở thành hiện thực.

Thế nhưng, hiện tại, khi Gen Z bước vào cuộc chơi, họ phải đối đầu với một thị trường công nghệ đã trưởng thành, với những ông lớn như Meta, Google hay Apple chiếm lĩnh. Cơ hội để tạo ra một công ty tỷ USD nhanh chóng như thời của Jobs hay Gates không còn nhiều.

Những CEO công nghệ thời trước như Steve Jobs, Bill Gates, Jeff Bezos xây dựng công ty trong thời đại Internet gần như vô luật. Ảnh: Business Insider.

Jerry Neumann, nhà đầu tư mạo hiểm và giáo sư tại Đại học Columbia, nhận định: "Những nhà sáng lập trẻ hiện nay vẫn có sự nhiệt huyết và thông minh như 20 năm trước, nhưng ngành công nghệ đã không còn phát triển nhanh như trước”.

Thời kỳ hoàng kim của những đột phá công nghệ đã qua đi. Gen Z giờ đây phải làm việc trong một thị trường đã bão hòa, nơi các công ty lớn đã thống trị và thâu tóm các đối thủ tiềm năng.

Ngay cả khi Facebook không còn thú vị như năm 2009. Gần một nửa nhân loại vẫn sử dụng các sản phẩm của Meta như Instagram và WhatsApp và không có bất kỳ đối thủ mới nổi nào.

“Để trở thành một Elon Musk hay Zuckerberg mới, bạn cần phải là người phá vỡ những quy tắc, tạo ra một ngành công nghiệp mới”, Kimberly Eddleston, giáo sư về khởi nghiệp và đổi mới tại Đại học Northeastern, nhận định. Tuy nhiên, hiện nay, những công ty mới thành lập thường bị mua lại trước khi chúng trở thành Instagram hay Uber tiếp theo.

Con đường khởi nghiệp của Gen Z cũng gập ghềnh hơn khi gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ngày càng khó khăn. Giai đoạn 2021-2023 là thời điểm đầu tư sụt giảm mạnh, từ 52,8 tỷ USD trong quý cuối năm 2021 xuống chỉ còn 10,6 tỷ USD vào quý cuối năm 2023. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Tâm lý thận trọng bao trùm sau những vụ bê bối của Adam Neumann (WeWork), Elizabeth Holmes (Theranos) và Sam Bankman-Fried (FTX) khiến việc kêu gọi vốn khó khăn hơn. Nói với Business Insider, nhà sáng lập Alexandra Debow (22 tuổi) cho biết hiện nay “mọi người không còn quan tâm nhiều đến những điều thổi phồng”. Họ muốn nhìn thấy giá trị thực sự đằng sau một dự án.

Gen Z thận trọng với hào quang nổi tiếng

AI là một ngoại lệ vì nguồn vốn đổ vào không ngừng nghỉ. Đây cũng là lĩnh vực một nhà sáng lập Gen Z đang tỏa sáng: Alexandr Wang, nhà đồng sáng lập Scale AI. Sinh năm 1997, Wang đã thành lập Scale AI vào năm 2016 khi mới 19 tuổi và nhanh chóng trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới với tài sản ròng lên đến 2 tỷ USD. Dù vậy, cái tên Alexandr Wang vẫn chưa thực sự phổ biến ngoài cộng đồng công nghệ.

Theo Business Insider, nhiều nhà sáng lập Gen Z ít quan tâm đến việc trở thành nhân vật của công chúng như thế hệ trước. Họ lớn lên giữa "cơn đổ nát" do tiến bộ công nghệ quá nhanh để lại.

Họ đã nhìn thấy Zuckerberg đang mỉm cười trên trang bìa của Wired năm 2016 với tiêu đề "Facebook có thể cứu mạng bạn không?". Chỉ 15 tháng sau, họ lại nhìn thấy ông xuất hiện trên trang bìa lần nữa. Khi đó, khuôn mặt cha đẻ Facebook được chỉnn sửa "bầm tím và đầy máu". Nội dung bài báo cạnh khóe ông về "cách một gã khổng lồ mạng xã hội bảo thủ, rối rắm đã tự đưa mình vào một thảm họa".

Là người sáng lập startup Strong Haulers nhằm hỗ trợ những bệnh nhân mắc Covid-19 kéo dài, Ibrahim Rashid (27 tuổi) cảm thấy việc xuất hiện trước truyền thông không còn cần thiết.

“Khi bạn đi nhanh và phá vỡ mọi thứ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bạn sẽ vào tù”, Rashid nói. Anh bắt đầu công ty dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình với căn bệnh, nhưng vẫn làm việc trong lĩnh vực đầu tư bền vững trong lúc xây dựng startup của mình.

Ngay cả những cái tên như Alexis Barreyat, người sáng lập ứng dụng mạng xã hội BeReal, khi được liệt kê vào danh sách “40 Under 40” của tạp chí Fortune cũng từ chối đăng ảnh thật.

Elizabeth Holmes và Sam Bankman-Fried là những gương mặt trẻ gây tranh cãi torng giới công nghệ. Ảnh: Axios.

Julian Kage, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Chicago, người sáng lập start-up thử nghiệm chẩn đoán Exactics cùng với các sinh viên đại học khác, chia sẻ: "Chúng tôi muốn thành công, nhưng có thể nhìn thấy hậu quả khủng khiếp khi danh tiếng xuống dốc. Tôi không nghĩ mình cần phải được đặt lên bệ đỡ như vậy”.

Thay vào đó, Kage cho biết công ty của anh muốn khoa học và sản phẩm "tự lên tiếng" thay vì tạo dựng tên tuổi cá nhân quá sớm.

Theo Business Insider, có lẽ chúng ta sẽ dần ít thấy những người sáng lập Gen Z đứng trước đám đông và giới thiệu sản phẩm mới nhất của mình.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng thế hệ này rất có tiềm năng thành công trong tương lai. Một nghiên cứu của Harvard Business Review năm 2018 chỉ ra những người sáng lập thành công nhất trong những năm gần đây thường bắt đầu sự nghiệp ở độ tuổi trung bình là 45.

Điều này đồng nghĩa với việc những thành viên của Gen Z vẫn còn rất nhiều thời gian để tạo dựng dấu ấn của mình. Ngay cả thế hệ Millennials, những người lớn tuổi nhất vừa bước sang tuổi 43, cũng vẫn có thể có tương lai sáng lạn phía trước.

Thúy Liên

Tin khác