1. Kinh doanh

Thế giới sẽ sớm có tỷ phú nghìn tỷ đô

Elon Musk có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới vào năm 2027, theo một báo cáo mới nhất từ Informa Connect Academy. Hiện tại, Musk là người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá khoảng 265 tỷ USD, và tốc độ gia tăng tài sản của ông đã vượt xa nhiều tỷ phú khác.

Theo Bloomberg Billionaires Index, Musk chỉ sở hữu khoảng 28,5 tỷ USD vào đầu năm 2020, nhưng đến cuối năm đó, con số này đã tăng vọt lên 167 tỷ USD, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của cổ phiếu Tesla. Cổ phiếu Tesla là động lực lớn nhất trong sự gia tăng tài sản của Musk.

Vào tháng 1/2020, cổ phiếu của Tesla chỉ khoảng 30 USD mỗi cổ phiếu, nhưng đến tháng 1/2021, giá trị này đã lên đến gần 300 USD. Bên cạnh đó, các công ty khác mà Musk quản lý như SpaceX và mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tài sản của ông.

James Pethokoukis, chuyên gia phân tích chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết các tỷ phú như Musk hay Jeff Bezos có thể trở nên giàu có vượt bậc nhờ việc thành lập và phát triển những công ty có giá trị mà mọi người muốn sở hữu.

Tỷ phú Elon Musk. (Ảnh: CNBC).

Pethokoukis nhấn mạnh, những người giàu thường đầu tư lớn vào thị trường chứng khoán, trong khi các hộ gia đình có thu nhập trung bình lại phụ thuộc vào bất động sản.

Theo dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, 1% người giàu nhất tại Mỹ hiện nắm giữ gần 50% tổng số cổ phiếu Mỹ, trong khi 50% người dân chỉ sở hữu khoảng 1%. Bất bình đẳng giàu nghèo tại Mỹ đang trở nên trầm trọng hơn do sự khác biệt về giá trị tài sản.

John Sabelhaus, một nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, cho rằng sự tăng giá của các loại tài sản khác nhau, đặc biệt là cổ phiếu, làm gia tăng sự bất bình đẳng tài sản. Đồng thời, ông cho rằng các thay đổi trong chính sách thuế qua nhiều thập kỷ đã tạo ra các lỗ hổng pháp lý, khiến việc đánh thuế người giàu trở nên khó khăn hơn.

"Bất bình đẳng về tài sản rất nhiều được thúc đẩy bởi giá của các loại tài sản khác nhau. Một trong những yếu tố khiến bất bình đẳng tài sản gia tăng là sự tập trung tài sản vào thị trường chứng khoán", ông nói.

Những người giàu thường có thể tìm cách tránh thuế bằng nhiều phương thức khác nhau như tiền thưởng và các hình thức thanh toán khác ngoài thu nhập trực tiếp. Một số học giả chỉ trích việc tích lũy tài sản khổng lồ là một vấn đề xã hội lớn.

Theo học giả Pethokoukis, các gói tiền thưởng ớn là phần thưởng xứng đáng cho việc xây dựng một công ty thành công. Trong khi đó, những người khác, như Sabelhaus, lại cho rằng các kẽ hở trong hệ thống thuế tạo ra một môi trường không công bằng.

Sabelhaus nhận định: "Trong vòng một phần tư thế kỷ qua, các thay đổi trong chính sách thuế đã khiến việc đánh thuế người giàu trở nên khó khăn hơn nhiều. Hiện nay có nhiều cách loại trừ hơn, nhiều phương thức tránh thuế hơn."

Phần lớn người dân Mỹ kiếm thu nhập từ việc đổi thời gian và kỹ năng của họ để lấy tiền lương, thu nhập này sẽ bị đánh thuế tùy thuộc vào số tiền họ kiếm được. Tuy nhiên, với những người siêu giàu, thu nhập trên giấy tờ lại không rõ ràng như vậy.

Sabelhaus chia sẻ: "Nếu chúng ta nghĩ về thu nhập như sự cải thiện khả năng chi tiêu của một người qua thời gian, bạn và tôi có bảng lương. Những bảng lương này đo lường số tiền mà chúng ta có thể chi tiêu. Còn Musk… có một gói bồi thường khổng lồ. Nhưng ngay cả gói bồi thường đó, chỉ một phần nhỏ trong đó xuất hiện dưới dạng thu nhập chịu thuế, vì phần lớn là các khoản thưởng và các hình thức nhận lương khác giúp ông ấy dễ dàng tránh được thuế."

Theo CNBC, Elon Musk không chỉ là biểu tượng của một doanh nhân thành công mà còn là minh chứng rõ ràng cho những bất bình đẳng tài chính và thuế khóa tồn tại trong xã hội hiện đại. Trong khi một số người cho rằng tài sản của Musk là kết quả của việc tạo ra giá trị kinh tế lớn, những tranh luận về hệ thống thuế cho thấy rằng có nhiều yếu tố hơn đang tác động đến khoảng cách ngày càng lớn giữa các tầng lớp giàu nghèo.

Báo cáo gần đây chỉ ra rằng 1% người giàu nhất thế giới tạo ra nhiều khí thải carbon – nguyên nhân chính của khủng hoảng khí hậu, hơn 66% người nghèo nhất trên hành tinh. Không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, Musk còn gây tranh cãi khi tham gia chính trị và mạng xã hội.

Gần đây, Elon Musk tiếp tục gây xôn xao khi tuyên bố ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ cũng đang tranh cử cho nhiệm kỳ này.

Thành Vũ

Tin khác