1. Kinh doanh

Thấy gì từ 'liên hoàn phốt' của MrBeast

MrBeast đối mặt với vụ kiện dài 54 trang vào tháng 9 vì tạo ra môi trường làm việc ủng hộ quấy rối tình dục. Ảnh: Instagram.

Tháng 9, MrBeast, tên thật là Jimmy Donaldson, đối mặt với vụ kiện dài 54 trang vì tạo ra “môi trường làm việc độc hại” trong trường quay Beast Games - chương trình truyền hình thực tế do Donaldson kết hợp với Amazon thực hiện.

Thí sinh tham gia chương trình kiện Donaldson “dung dưỡng văn hóa kỳ thị giới và phân biệt đối xử với phụ nữ". Người tham gia phải “chịu đói và kiệt sức” vì các bữa ăn được cung cấp “thưa thớt và ít ỏi”. Họ còn cáo buộc anh "tạo ra, cho phép tồn tại và nuôi dưỡng một nền văn hóa quấy rối tình dục”.

Năm 2021, Donaldson bị 11 nhân viên cũ cáo buộc tạo ra môi trường làm việc thù địch và có thái độ trước - sau máy quay khác nhau. Các cựu nhân viên nhận xét “vua YouTube” quá cầu toàn và “chẳng ai có thể chiều theo”.

Không chỉ Donaldson, nhiều YouTuber trên thế giới, sau khi thành công, cũng bị chỉ trích khi tạo ra môi trường làm việc độc hại cho nhân viên. Các cáo buộc cho thấy vấn đề nổi cộm trong ngành công nghiệp giải trí kỹ thuật số quốc tế: Các nhà sáng tạo nội dung không biết cách đảm bảo an toàn cho diễn viên, nhân viên đoàn phim vì không được đào tạo chuyên nghiệp.

“Làm việc như thể đang sinh tồn”

“Tôi từng làm việc với vài nhà sáng tạo nội dung thành công, họ có đoàn phim riêng. Một số có công đoàn (tổ chức đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động - PV) trong khi số khác thì buộc nhân viên làm việc như thể đang sinh tồn ở miền Tây hoang dã của nước Mỹ”, Mair Mulroney, diễn viên đồng thời là nhà sáng tạo nội dung trên YouTube, chia sẻ.

Tại Hollywood, Hiệp hội Diễn viên Truyền hình và Phát thanh (SAG-AFTRA) và Công đoàn Nhân viên Sân khấu Quốc tế (IATSE) đảm bảo nhân viên đoàn phim và diễn viên được nghỉ ngơi, an toàn và trả lương xứng đáng.

Không như hãng phim Hollywood, hãng phim của các nhà sáng tạo nội dung không có công đoàn.

MrBeast trước đây từng nói Beast Games là “chương trình thực tế lớn nhất trong lịch sử” với nhiều thí sinh nhất và giải thưởng tiền mặt lớn nhất. Ảnh: MrBeast.

Người nắm quyền lớn nhất trong hãng phim là nhà sáng tạo. Đối với Beast Games, chương trình có kinh phí được báo cáo là 100 triệu USD của Amazon Studio, Donaldson cũng cho biết anh được trao toàn quyền điều khiển trường quay.

Khi cáo buộc về các điều kiện làm việc độc hại xuất hiện, nhiều khán giả thắc mắc đoàn phim của “YouTuber giàu nhất thế giới” có đơn vị bảo vệ người lao động hay không - dù nhóm này hiếm khi xuất hiện trong đoàn quay truyền hình thực tế.

Đại diện của Donaldson nói Beast Games được ghi hình ở Toronto với đại diện công đoàn là Tổ chức Nhân viên Truyền hình và Kỹ thuật Quốc gia của Mỹ (NABET) và Hiệp hội Đạo diễn Canada (DGC).

GGC xác nhận có người lao động thuộc tổ chức làm việc trong Beast Games. Song, Hiệp hội nói thêm đoàn phim có “ thành viên thuộc công đoàn và những người không tham gia”. Do đó, tổ chức không thể quản lý toàn bộ. NABET không trả lời yêu cầu bình luận.

Hai đơn vị không trả lời các câu hỏi về cách đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động trong chương trình thực tế của MrBeast.

“Công đoàn cần tiếp cận đoàn phim của các nhà sáng tạo nội dung và giúp họ phát triển”, ông Scott Brown, nhà sản xuất kỹ thuật số được đề cử giải Emmy và từng làm việc cho MrBeast, chia sẻ.

“Các kênh mạng xã hội chỉ phát triển chưa đầy 20 năm trong khi công đoàn đã có lịch sử hơn 100 năm. Họ cần mang các tiêu chuẩn an toàn lao động đến khu vực này”, ông Brown nói thêm.

Quỵt lương

Diễn viên, nhà sáng tạo nội dung Mulroney nhận xét ngành sản xuất phim đăng lên mạng xã hội có thể phát triển dù không có công đoàn.

“Họ chỉ cần chấp nhận hậu quả của quyết định đó”, cô nói. “Vài khâu trong đoàn phim không phải lúc nào cũng chuyên nghiệp và an toàn”.

Tháng 1/2023, “hậu quả” của môi trường làm việc không đảm bảo quyền cho người lao động đã xuất hiện. Mulroney và đồng nghiệp tổ chức biểu tình trước công ty của nhà sáng tạo nội dung Dhar Mann - YouTuber có 22,3 triệu lượt theo dõi nhờ các video về lối sống đạo đức.

Nhóm người biểu tình trước công ty của YouTuber Dhar Mann cáo buộc anh tạo ra môi trường làm việc độc hại. Ảnh: USA Herald.

Nhóm biểu tình cáo buộc Mann tạo ra “văn hóa làm việc độc hại” ở trường quay. Họ khẳng định anh trả lương dưới mức tối thiểu và đôi khi quỵt lương. Anh tạo ra “văn hóa làm việc dựa trên sợ hãi” bằng cách đe dọa cắt vai, đuổi việc người dám phản bác anh.

Sau đó, Mann đăng bài trên Instagram để giải thích “hiểu lầm xuất hiện sau cuộc biểu tình”. Anh cho biết công ty trả lương cho nhân viên “dựa trên thành tích” và trả 33-44 USD/giờ cho diễn viên.

“Xung đột cũng là cơ hội để phát triển”, YouTuber cho biết thêm anh đã gặp các diễn viên và “tìm ra cách cải thiện vấn đề trong hãng phim, ví dụ như đẩy nhanh quy trình làm việc, tích cực giao tiếp và trả lương đều đặn”.

Dhar Mann sở hữu kênh YouTube có 22,3 triệu lượt theo dõi nhờ nói về đạo đức trong cuộc sống. Ảnh: Dhar Mann.

Mulroney nói cô không làm việc với Mann sau khi cuộc biểu tình kết thúc. Cô vẫn tin tưởng tuyệt đối YouTube là “nơi tuyệt vời để mọi người khám phá vì không có luật lệ ở đây”.

Ngành công nghiệp giải trí trên Internet đã chín muồi trong những năm gần đây. Các hội nghị như VidCon đã chuyển từ buổi gặp mặt thân mật với người hâm mộ thành hội nghị nhà sáng tạo nội dung doanh nghiệp.

Các YouTuber, bao gồm CEO của YouTube là Neal Mohan, mong rằng nội dung trên mạng xã hội sẽ được công nhận tương đương với phim truyền hình, điện ảnh truyền thống.

Ngược lại, theo Mulroney, không ít nhà sáng tạo thiếu tôn trọng công sức của diễn viên và đoàn phim. “Nếu YouTube và nhà sáng tạo muốn được đề cử ở giải Emmy, họ cần tuân theo quy định trong ngành công nghiệp giải trí. Có lý do để người ta lập ra chúng”, cô nói.

Đông Tùng

Theo NBC

Tin khác