1. Kinh doanh

Thay đổi cách nuôi con chỉ sống trong bùn bằng dây nilon, anh nông dân thu lãi hàng trăm triệu

Vào cuối năm 2017, qua thông tin trên Internet, anh Phong thấy được hiệu quả từ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng bằng dây nilon.

Và đến đầu năm 2018, anh bắt tay vào xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn tại gia đình. Tận dụng chuồng heo bỏ trống, anh Phong phân chia các ô, đầu tư hệ thống ống nước để thay nước hằng ngày.

Anh Thái Hoàng Phong, nông dân xã ấp 2, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) với mô hình nuôi lươn không bùn trong chuồng heo cũ treo chùm dây nilon tại gia đình.

Sau khi hoàn thiện, khử khuẩn, anh mua 10.000 con lươn giống từ tỉnh Vĩnh Long với mức giá 17 triệu đồng về thả nuôi.

Nhờ cách chăm sóc lươn không bùn khoa học, đúng quy trình kỹ thuật nuôi nên lươn phát triển tốt, cho năng suất cao.

Năm 2019, anh Thái Hoàng Phong bán hơn 5.000 con lươn thương phẩm, lãi hơn 180 triệu đồng; gần 5.000 con lươn còn lại anh để làm giống nuôi thành lươn bố, mẹ.

6 tháng sau, lươn bố mẹ bắt đầu sinh sản, mở ra cơ hội mới để anh Phong có thêm nguồn thu nhập từ việc bán lươn giống.

Từ năm 2020 đến năm 2022, anh phong xuất bán hơn 250.000 con lươn giống cho nông dân các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và các xã lân cận ở huyện Cái Bè.

Anh Thái Hoàng Phong bán lươn giống với giá từ 3.500 - 5.000 đồng/con, tùy vào kích cỡ của lươn.

Hiện tại, anh Phong nuôi hơn 30.000 con lươn thương phẩm. Tháng 4 vừa qua, anh xuất bán 5 tấn lươn thương phẩm, với giá 120.000 đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng.

Các bể nuôi lươn không bùn.

Về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, theo anh Phong, để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, trước tiên bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát.

Lươn là động vật khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy hằng ngày phải thay nước sạch sau khi cho lươn ăn.

Để tăng tỉ lệ lươn sống và nâng cao hiệu quả nuôi lươn, người nuôi phải thường xuyên bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa…thông qua phối trộn cùng thức ăn cho lươn ăn.

Lươn là loài động vật có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống trong bùn... nên khi nuôi trong bể xi măng phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng chùm dây nilon đen.

Bên cạnh đó, người nuôi lươn phải chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp của con lươn và khử khuẩn bể nuôi…

Khoảng 12 tháng nuôi, lươn thương phẩm đủ tuổi, thịt dai, ngon, giàu chất dinh dưỡng, mỗi con đạt trọng lượng từ 300 - 400 gram thì có thể xuất bán.

Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Ngay như xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè người dân làm giàu nhờ áp dụng phương pháp này.

Điển hình anh Lê Văn Mãi ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh đã thu lãi hàng trăm triệu đồng từ bán lươn giống và lươn thương phẩm.

Chỉ với diện tích hơn 800m2, tận dụng chuồng heo để trống, anh đã phân chia các ô, đầu tư hệ thống ống nước, để thay nước hàng ngày. Sau khi hoàn thiện, khử khuẩn, anh mua 15.000 con lươn giống ở Vĩnh Long về thả nuôi.

Nhờ cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh đã ổn định, phát triển tốt và cho thu nhập cao. Giá bán từ 120 ngàn đồng/kg. Anh thu về hơn 220 triệu đồng.

Hay anh Nguyễn Văn Phước ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sau 10 tháng khi trừ đi chi phí anh thu lãi trung bình trên 100 triệu đồng.

Hiện anh Phước cũng đã hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi cho hơn 10 thanh niên tại ấp, góp phần phát triển phong trào khởi nghiệp tại địa phương.

So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn, mô hình nuôi lươn bằng dây nilon có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển bệnh của lươn.

Bên cạnh đó, nuôi lươn trong bể không bùn có thể nuôi với mật độ dày hơn so với nuôi lươn truyền thống, chi phí thức ăn thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Duy Huy (tổng hợp)

Tin khác