'Thánh sa thải khét tiếng' Elon Musk có vỡ mộng với chức vụ mới?
Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 12/11 tuyên bố chọn tỷ phú Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy làm lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ. Hai người này sẽ không phải nhân viên liên bang, cung cấp cho Nhà Trắng "lời khuyên và hướng dẫn", đồng thời hợp tác với Văn phòng Quản lý và Ngân sách "thúc đẩy cải cách cơ cấu quy mô lớn và tạo cách tiếp cận trong kinh doanh chưa từng có với chính phủ".
Ông Musk từ lâu đã thúc đẩy thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ và kể từ đó không ngừng quảng bá cho cơ quan này. Bộ phận mới, với tên viết tắt tiếng Anh là DOGE, trùng với tên loại tiền điện tử Dogecoin và một meme (ảnh chế) lan truyền trên Internet. Ông Trump khẳng định DOGE sẽ “kiểm toán tài chính và hiệu suất của toàn bộ chính phủ liên bang, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cải cách mạnh mẽ".
Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Musk cam kết sẽ đề xuất giảm mạnh, cắt chi tiêu lãng phí không có lợi cho người Mỹ, thậm chí áp dụng AI để xác định nơi cần tập trung.
Ông chủ Tesla cũng nhấn mạnh sẽ đảo ngược các quy định của chính phủ, đồng thời cung cấp các gói trợ cấp thôi việc hào phóng cho nhân viên bị sa thải, cũng như đề xuất một hệ thống đánh giá đe dọa loại bỏ những nhân viên gây lãng phí ngân sách.
Theo CNN, đây đều là những chiến thuật ông Musk đã hoặc hứa hẹn áp dụng tại chính các công ty của mình. Song hiệu quả của những chính sách này đem lại nhiều kết quả trái chiều.
X, Tesla và Space X đã trải qua những gì?
Hồi tháng 8, trong cuộc phỏng vấn với CEO Tesla, ông Trump đã ca ngợi cách ông Musk mạnh tay sa thải nhân viên. Hồi tháng 10, tại một hội trường ở thị trấn Pittsburgh, Pennsylvania, khi thảo luận về những việc có thể làm cho chính phủ, ông Musk tuyên bố: “Bước số 1 là chi tiêu bớt đi. Chúng ta hãy bắt đầu từ con số 0”.
Dẫu vậy, việc cắt giảm không phải lúc nào cũng phát huy tính hiệu quả với các công ty của vị tỷ phú này.
Với nền tảng X, ông Musk đã thực hiện nhiều đợt sa thải, giảm khoảng 80% nhân viên công ty. Hệ quả là hoạt động của X trở nên không ổn định, thể hiện rõ trong lần phỏng vấn Thống đốc Florida Ron DeSantis năm 2023 và ông Trump cách đây vài tháng.
Ông Musk cũng loại bỏ bộ phận tin cậy và an toàn, khiến X chứng kiến thêm nhiều bài đăng có ngôn ngữ thù địch và thông tin sai lệch. Nhiều nhà quảng cáo cũng dần “di cư” khỏi nền tảng này.
Theo Fidelity, X có giá trị thấp hơn 80% so với giá ông Musk mua vào tháng 10/2022.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của ông Musk gặp rào cản bởi các quy định của chính phủ, vốn bị ông gọi là “thủ tục quan liêu và thủ tục giấy tờ không cần thiết”. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng thường xuyên phàn nàn về điều này, nhưng ông Musk có cách tiếp cận khác biệt bằng cách uốn cong các quy tắc.
Tại Tesla, ông Musk thúc đẩy tham vọng triển khai công nghệ "tự lái hoàn toàn", bất chấp nhiều vụ tai nạn và các cuộc điều tra cùng lời cảnh báo từ chính phủ. Theo cách tiếp cận "triển khai trước, sửa sau", Tesla đã thu hồi một số đợt xe, nhưng vẫn khẳng định phần mềm lái xe tự động cứu mạng người.
Hồi tháng 10, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia mở một cuộc điều tra Tesla sau vụ người đi bộ bị ôtô dùng tính năng tự lái hoàn toàn đâm phải và tử vong. Năm 2023, cơ quan này cho rằng công nghệ tự lái hoàn toàn “gây rủi ro với an toàn của xe cơ giới khi không tuân thủ đầy đủ các luật an toàn giao thông". Họ cũng cảnh báo công nghệ này có thể vi phạm luật giao thông tại một số ngã tư "trước khi một số tài xế có thể can thiệp".
Tại SpaceX, ông Musk chuyển phần lớn hoạt động khỏi California do bang này có quá nhiều quy định. Tập đoàn này thậm chí còn khởi kiện một cơ quan quản lý của California hồi tháng 10. Song tại thị trấn ở Texas nơi Space X đặt trụ sở mới để phóng và thử nghiệm tên lửa, cư dân phàn nàn và khiếu nại về xâm phạm đất đai, vỡ cửa sổ và các bãi rác lớn, cũng như một số vấn đề khác.
Ngoài ra, theo tờ Wall Street Journal, ông Musk đề xuất cung cấp hai năm trợ cấp cho những nhân viên chính phủ bị cho thôi việc. Song tại X, ông chủ mới liên tục bị kiện vì không thực hiện cam kết với những nhân viên bị cho nghỉ việc. Trong số này có cựu CEO và các giám đốc điều hành, những người không được chi trả hàng trăm triệu USD trong các gói trợ cấp thôi việc.
Trước khi ông Musk mua lại Twitter - hiện là X - vào năm 2022, quy định nêu rõ những nhân viên ở lại sau thương vụ mua bán nhưng sau đó bị sa thải sẽ được hưởng 6 tháng, cộng với một tuần lương cho mỗi năm thâm niên.
Song nhiều vụ kiện cho biết ông Musk và X từ chối thanh toán khoản này. Đầu năm 2024, ông Musk đã thắng một vụ kiện, một số vụ kiện khác vẫn đang tiếp tục.
Rào cản lớn
Tờ New York Times đưa tin ông Musk đã yêu cầu ông Trump bổ nhiệm nhân viên SpaceX vào các vị trí cấp cao trong chính phủ, song tổng thống đắc cử cam kết cấm các quan chức nhận việc tại các công ty họ từng giám sát.
Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ né tránh chủ nghĩa thân hữu và có thể tạo điều kiện cho ông Musk duy trì quyền kiểm soát các công ty ngay cả khi có vai trò trong chính phủ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đội ngũ của ông Trump đã phải vật lộn tìm đủ người cho hàng nghìn vị trí cần thiết vận hành chính phủ. Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie chia sẻ ông Trump chưa bao giờ khắc phục được tình trạng thiếu hụt nhân sự này. Việc đưa ông Musk vào có thể nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp ông Trump và ông Musk có thể thẳng tay loại bỏ những vị trí họ không thể tìm được người ưng ý.
Tuy nhiên, luật lao động của Mỹ sẽ là trở ngại lớn với ông chủ Tesla. Tesla là nhà sản xuất ôtô lớn duy nhất của Mỹ không có công đoàn, và người đứng đầu đang muốn giữ nguyên hiện trạng này. Ngược lại, các nhân viên chính phủ liên bang được hưởng chế độ bảo vệ việc làm nghiêm ngặt, nên cách tiếp cận cắt giảm chi phí mạnh tay theo kiểu ông Musk từng áp dụng có thể bất khả thi.
Với ít kinh nghiệm quản lý khu vực công, ông Musk có thể sớm nhận ra rằng nhân viên chính phủ không dễ bị kiểm soát như nhân viên trong các công ty tư nhân.
Phương Linh