Thanh niên Sinh Long lập nghiệp
Chàng trai người Mông vượt khó
Sinh Long những ngày đầu đông, thời tiết se lạnh, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Sau những đợt mưa lớn, con đường vào xã càng khó khăn gấp bội bởi những điểm sạt lở, đất đá vung vãi khắp nơi. Nhưng đã hẹn, đúng 8h sáng chúng tôi có mặt ở xã Sinh Long. Bí thư Đoàn xã Bàn Văn Vinh vui vẻ đón phóng viên và mời lên thôn Phiêng Ten ở tận đỉnh núi để xem các mô hình nuôi trâu vỗ béo, trâu sinh sản đang mang lại hiệu quả cao của thanh niên.
Vượt quãng đường hơn 5 km với những con dốc cao thẳng đứng, một số đoạn đường đang được trải bê tông nhưng ngắn còn lại vẫn là đường đất, ngoằn ngoèo, lổn nhổn đá hộc. Căn nhà của bí thư chi đoàn thôn Phiêng Ten Lầu Văn Bằng nằm tít tận cuối thôn. Anh Vinh giới thiệu, đây là triệu phú nuôi trâu mới nổi của thôn.
Anh Bằng sinh năm 1994. Năm 2016, anh tốt nghiệp ngành Văn hóa, hệ Cao đẳng, trường Đại học Tân Trào. Trở về quê, anh được bầu làm bí thư chi đoàn, đau đáu câu chuyện khởi nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì giữa mênh mang núi đá, anh Bằng bồi hồi, anh tham khảo nhiều, cũng mày mò nghiên cứu và anh quyết định chọn nuôi trâu.
Năm 2017, anh bàn với gia đình vay vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang cộng với số vốn hiện có, đầu tư cải tạo chuồng mua thêm 2 con trâu nghé nuôi nhốt cùng 5 con sẵn có của gia đình. Anh còn mạnh dạn mua và cải tạo đất trồng mới 3 ha rừng. Anh nhớ lại, lúc mới nuôi trâu, anh dồn nuôi chung, trâu lạ nhau, chưa quen cách chăm sóc vỗ béo chật chội nên chúng húc nhau, phá chuồng khiến anh nhiều phen lao đao, lo sợ. Ngày đấy ở trên thôn không có sóng điện thoại, toàn bộ kỹ thuật anh đều phải đi hỏi trực tiếp cán bộ khuyến nông để thay đổi nuôi theo hình thức bán hoang dã. Rồi những câu chuyện cải tạo đất trồng cỏ voi làm thức ăn, cách bảo quản cỏ khi mùa đông đến được anh say sưa kể khiến cánh nhà báo chúng tôi cũng phải nể bởi lối tư duy, nghị lực và tinh thần hăng say lao động của anh.
Năm 2020, anh Bằng có trong tay 12 con trâu, anh trả nợ ngân hàng năm đó và duy trì số lượng gần 20 con đến hôm nay. Anh tự hào, gần 8 năm khởi nghiệp, từ hộ nghèo nay anh đã thành hộ khá, vui nhất là cuối năm nay 3 ha rừng sẽ được thu, anh tự tin sẽ vẫn gắn bó với nuôi trâu, bởi trên vùng đất đầy núi đá như Phiêng Ten, nuôi trâu sẽ luôn bền vững, dễ chăn thả lại hiệu quả cao và không có bệnh tật.
Cũng từ tấm gương của bí thư chi đoàn Lầu Văn Bằng, đến nay, Phiêng Ten có thêm nhiều người trẻ nuôi trâu hiệu quả và thu nhập cao như anh Dương Văn Lầu, anh Lầu Văn Dảy… Mỗi gia đình đều có gần 10 con trâu, thu nhập mỗi năm cũng đều đạt trên 50 triệu đồng.
Tự liên kết, tìm hướng đi...
Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Long Hoàng Văn Hào phấn khởi, phong trào thanh niên khởi nghiệp đang là điểm nhấn trong phong trào làm kinh tế của xã. Anh Hào kể thêm, một số ít thanh niên đã mạnh dạn đi xuất khẩu lao động tại thị trường Đài Loan và Nhật Bản, đến nay toàn xã có trên 30 người đi xuất khẩu lao động, mức lương dao động từ 25 - 35 triệu đồng/người/tháng.
Bí thư đoàn xã Sinh Long Bàn Văn Vinh thường được nhân dân gọi là “thủ lĩnh trẻ”, anh Vinh nổi danh với những sáng kiến trong làm các điểm trường vùng cao kiên cố bằng tôn sắt, những con đường thắp sáng đường quê đứng đầu toàn huyện Na Hang. Ít ai biết, anh Vinh còn là đầu mối giúp thanh niên tìm hiểu thị trường để đi xuất khẩu lao động. Người dân Sinh Long kể, căn nhà nhỏ cuối thôn Phiêng Thốc của anh Vinh luôn tấp nập người, đó không chỉ là nơi chia sẻ chuyện vui buồn trong cuộc sống mà còn là nơi để người dân tiếp cận những kiến thức mới, những hướng làm kinh tế hiệu quả.
Với sự khiêm tốn, anh Vinh kể, năm 2019, khi anh được bầu là bí thư đoàn xã, việc đầu tiên anh nghĩ tới là tìm hướng khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên. Đầu tiên cũng chỉ là những đề xuất với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Na Hang để liên kết, mời những đơn vị tuyển dụng, đơn vị dạy nghề về với địa phương nhưng do địa hình khó khăn, nhận thức của người dân hạn chế nên không thực sự hiệu quả.
Tháng 12 - 2023, anh Vinh liên kết cùng Công ty cổ phần đầu tư KTM (Hà Nội) mở văn phòng đại diện về tuyển dụng lao động tại xã Sinh Long. Anh Vinh cho biết, cách làm này thực sự giúp ích cho người dân hiểu đúng, đủ về thị trường lao động và điều kiện để đi xuất khẩu. Văn phòng tuy mới mở được gần 1 năm nhưng đến nay, đã đưa được hơn 12 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu đều là thanh niên.
Căn nhà mới xây khang trang của anh Nông Văn Bình, thôn Phiêng Thốc khiến nhiều người ngưỡng mộ. Anh Bình cũng là người đầu tiên đi xuất khẩu lao động ở xã Sinh Long từ năm 2019, sau khi trở về xây dựng nhà cửa và đầu tư sản xuất, cuối năm 2023, anh Bình cũng tiếp tục đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Đến nay, theo thông tin anh Bình cung cấp, một vài người cùng ở Sinh Long đang làm việc tại Đài Loan cũng đang có thu nhập ổn định, mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng.
Ngoài những thanh niên đi xuất khẩu lao động, qua những lớp đào tạo nghề, hiện trên địa bàn xã cũng có khoảng gần 10 mô hình thành niên khởi nghiệp thành công mang lại hiệu quả như anh Bàn Văn Tiến với cửa hàng sửa xe máy, máy nông nghiệp; anh Triệu Văn Bách với xưởng nghề mộc tạo được việc làm cho lao động tại địa phương; anh Hoàng Văn Chủng, Lương Văn Trường với mô hình kinh tế tổng hợp, kinh doanh cửa hàng tạp hóa…
Toàn xã Sinh Long hiện có gần 300 đoàn viên thanh niên. Là xã xa, địa hình khó khăn là một trong những rào cản lớn trong phát triển kinh tế. Tuy những mô hình kinh tế còn khiêm tốn, nhưng đã minh chứng được sự bứt phá về suy nghĩ, cách làm và khát vọng làm giàu của những người trẻ ở Sinh Long.
Lê Duy