Thanh niên làm giàu từ nông nghiệp
Vốn là tiểu thương bán các mặt hàng rau củ quả tại Chợ đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi, anh Đỗ Văn Hậu luôn ấp ủ trong mình giấc mơ làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp do chính mình trồng ra. Sau thời gian gắn bó với công việc tại chợ đầu mối, anh Hậu nhận thấy thị trường tiêu thụ chanh tại Quảng Ngãi và miền Trung tương đối lớn. Trong khi đó, nguồn chanh tươi ở các chợ đa phần đều được nhập về từ Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Bắc nên đây sẽ là loại cây khởi nghiệp tiềm năng.
Nghĩ là làm, năm 2020 anh Hậu tìm hiểu về cây chanh, cách trồng thông qua mạng Internet, sách báo rồi vào tận Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các vườn trồng chanh. Anh Hậu cho biết, sau khi tham khảo nhiều nhà vườn, tôi nhận thấy chanh tứ quý là giống chịu hạn tốt, ra trái quanh năm, cho năng suất cao, hương vị tương đối giống chanh truyền thống xưa nay. Hơn nữa, lại dễ trồng và chăm sóc nên tôi quyết định mua 1.000 cây giống từ miền Tây về rồi thuê 3ha đất gần nhà để trồng thử nghiệm.
Vốn không am hiểu về nông nghiệp, anh Hậu gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp. Trở ngại ban đầu xuất phát từ chính mảnh đất anh lựa chọn thuê. Phần lớn đất nơi đây là đất sét. Dù có khả năng giữ chất dinh dưỡng cao nhưng khả năng thoát nước của đất vào mùa mưa rất kém, nghèo chất hữu cơ, mùa nắng thì cứng chặt.
Khó ở đâu, gỡ ở đó. Chàng trai trẻ đã bỏ thời gian dài để tiến hành cải tạo đất trước khi đem giống cây về trồng. Anh tận dụng rơm rạ, dây đậu phộng sau thu hoạch để giúp đất thêm thoáng khí và xốp. Anh cũng bón phân chuồng và bánh dầu đậu phộng để tăng nguồn dinh dưỡng cho cây.
Từ 1.000 cây chanh tứ quý ban đầu, anh Hậu đã tự nhân giống trồng thêm tại trang trại, nâng tổng số chanh tại vườn của mình lên hơn 2.200 gốc. Trải qua 4 năm chăm sóc, anh Đỗ Văn Hậu đã gặt hái được quả ngọt khi vườn chanh phát triển tốt và cho thu hoạch những vụ đầu tiên.
Với sự năng động, sáng tạo của một người trẻ, anh Hậu cũng tiên phong ứng dụng thiết bị bay không người lái để kiểm tra vườn và theo dõi mùa vụ, giám sát tưới tiêu một cách chính xác, hiệu quả. Chỉ tay vào những cành chanh trĩu quả, anh Hậu phấn khởi bày tỏ, nhờ thực hiện tốt quy trình chăm sóc, chủ động kết nối thị trường nên chanh đến vụ thu hoạch đã có đầu ra ổn định trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi cây chanh có thể cho thu hoạch được chừng 60kg quả, trên 1ha chanh thu hoạch khoảng 15 tấn. Từ năm thứ 5 trở đi, mỗi cây chanh có thể đạt 100kg. Với giá chanh bán ra dao động khoảng 15 - 20 nghìn đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ các chi phí, bình quân anh Hậu thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng/ha.
Khi được hỏi về dự định sắp đến, chàng thanh niên trẻ chia sẻ, trong năm sau, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng chanh lên 5ha. Tôi cũng mong muốn hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng và thu mua chanh cho người dân địa phương. Vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa có đủ lượng chanh để cho ra sản phẩm mới là bột chiết xuất cốt chanh tươi và cốt chanh muối có giá thành cao hơn và bảo quản được lâu hơn so với chanh bán thông thường.
Phó Bí thư Đoàn xã Đức Phú Nguyễn Quốc Huy cho biết, mô hình trồng chanh tứ quý của anh Đỗ Văn Hậu mang lại năng suất cao và rất hiệu quả. Đây cũng là mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của quê hương Đức Phú. Hiện địa phương rất quan tâm đến mô hình này và thường xuyên hỗ trợ đưa các sản phẩm chanh trưng bày tại các chương trình khởi nghiệp của huyện, tỉnh và tiến tới đưa sản phẩm chanh tứ quý trở thành sản phẩm OCOP địa phương.
Bài, ảnh: THANH AN