Thanh niên Khmer với những mô hình kinh tế hiệu quả
Rẫy hành lá của thanh niên Thạch Sang (bên trái).
Tiêu biểu mô hình hỗ trợ vốn vay cho ĐVTN của Chi đoàn ấp Huyền Đức, xã Long Sơn những năm qua góp phần tạo điều kiện cho ĐVTN có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Huỳnh Văn Lâm, Bí thư Chi đoàn ấp Huyền Đức cho biết: để giúp ĐVTN có điều kiện tham gia trồng trọt và chăn nuôi, thời gian qua, được sự hỗ trợ của đoàn cấp trên, Chi đoàn ấp phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn giải quyết việc làm 200 triệu đồng giúp 06 ĐVTN vay phát triển sản xuất; vận động các hộ khá, giàu cho 10 ĐVTN nghèo mượn đất sản xuất với 02ha để trồng màu. Từ mô hình này giúp các ĐVTN có điều kiện sản xuất từ 02 - 03 vụ màu/năm chủ yếu cây màu ngắn ngày như đậu phộng, bắp và rau củ quả các loại, thu lợi nhuận đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Thông qua mô hình cho mượn đất sản xuất đã giúp 06 ĐVTN vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, ổn định cuộc sống.
Tại ấp Long Hanh, xã Long Sơn, có nhiều thanh niên chịu khó làm kinh tế với mô hình trồng luân canh, đa canh cây màu xoay vòng nhiều đợt trong năm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như thanh niên Kiên Thị Lan, ấp Long Hanh chọn cây hành là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Lan cho biết: hành lá trồng khoảng 02 tháng cho thu hoạch, hàng năm chị trồng từ 07 - 08 đợt, có đợt trúng mùa trúng giá lợi nhuận trên 10 triệu đồng/0,1ha, đợt hành lá giá giảm còn 11.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt 06 - 07 triệu đồng/0,1ha. Trồng hành lá chủ yếu lấy công làm lời, mỗi đợt thu hoạch, ĐVTN và người dân trong ấp thu hoạch đổi dần công, nhờ vậy mỗi đợt hành lá gia đình chị đều có lợi nhuận cao.
Thanh niên Thạch Sang, ngụ cùng ấp cũng chọn cây hành lá trồng thâm canh trong năm. Anh Sang cho biết: trước đây, do hoàn cảnh nghèo vợ chồng anh đi làm ăn xa, nhưng vẫn không dư giả. Khoảng hơn 05 năm nay, anh cùng vợ về lại quê hương khởi nghiệp với nghề trồng hành để cải thiện kinh tế gia đình.
Cùng với đó, gia đình anh được Xã Đoàn hỗ trợ vốn vay 70 triệu đồng, giúp anh thuận lợi đầu tư vào trồng trọt. Với 0,2ha đất của gia đình cho, anh tập trung trồng hành lá quanh năm, bình quân khoảng 07 đợt/năm, lợi nhuận mỗi đợt khoảng 10 triệu đồng/0,1ha. Ngoài được hỗ trợ vốn vay, gia đình anh được Xã Đoàn hỗ trợ 01 căn nhà tình thương trị giá 60 triệu đồng.
Anh Thạch Dane, Bí thư Chi đoàn ấp Long Hanh cho biết: phần lớn kinh tế của người dân nông thôn nói chung, ĐVTN nói riêng chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tùy theo từng vùng, người dân lựa chọn phương pháp canh tác và bố trí cây trồng khác nhau. Để giúp ĐVTN có điều kiện tham gia lao động sản xuất và vươn lên thoát nghèo, những năm qua, Chi đoàn phối hợp với Xã Đoàn xem xét đầu tư và tái đầu tư vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội cho ĐVTN của ấp. Bình quân mỗi ĐVTN được hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng đầu tư vào trồng trọt và nuôi bò, nhờ vậy, đến nay toàn ấp chỉ còn 02 ĐVTN nghèo.
Anh Dane cho biết thêm: bên cạnh Chi đoàn phối hợp hỗ trợ vốn vay tạo điều kiện cho ĐVTN phát triển sản xuất, anh Dane cũng mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm trồng 03 - 04 vụ màu/năm. Với 0,3ha đất canh tác, hàng năm anh trồng luân canh, xen canh cà nâu, bí đao. Ngoài ra, anh còn thuê thêm 0,2ha đất để trồng cà nâu theo quy trình hữu cơ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường;
Vụ màu năm nay, cà nâu trúng mùa, trúng giá nên lợi nhuận tăng cao. Cà nâu từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 85 ngày, thời gian thu hoạch kéo dài 02 tháng kết thúc. Khác với các loại cây trồng khác, cà nâu cách ngày thu hoạch 01 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng từ 200 - 230kg, giá bán 9.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, lợi nhuận đến cuối vụ ước gần 20 triệu đồng.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN