Thanh niên Khmer khởi nghiệp, xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả
Theo anh Thạch Rô Si Dol, thanh niên dân tộc Khmer ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị trong văn hóa người Khmer Nam bộ, ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa mang tính cộng đồng cao, giữ vai trò quan trọng, là tài sản quý giá và thiêng liêng, là bộ mặt của ngôi chùa và phum sóc đồng bào Khmer. Xuất phát từ niềm đam mê, anh đã “thu nhỏ” chiếc ghe Ngo ngoài đời thật thành ghe Ngo mô hình làm quà lưu niệm nhưng vẫn giữ nguyên các chi tiết đúng với nguyên mẫu.
Cuối năm ngoái, anh đã mang đến chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn 2023 bằng sản phẩm ghe ngo mini lưu niệm. Dự án thu hút mọi người quan tâm bởi sự độc đáo của sản phẩm. Kết quả, dự án kinh doanh mô hình ghe ngo mini lưu niệm của anh đã giành được giải khuyến khích tại cuộc thi.
Sau cuộc thi, dự án kinh doanh mô hình ghe ngo mini lưu niệm của anh Si Dol càng được nhiều người biết đến, ưa chuộng, nhất là những người yêu thích bộ môn đua ghe truyền thống của đồng bào Khmer. Một số người đã tìm đến anh đặt hàng và yêu cầu làm theo mẫu, hoa văn của chiếc ghe ngo của địa phương mà họ hâm mộ.
Mô hình ghe ngo do anh Si Dol làm ra dài khoảng từ 0,5m-2m nhưng vẫn giữ nguyên vẹn tất cả các chi tiết đúng với nguyên mẫu, giữ được hồn cốt của chiếc ghe thật. Giá một chiếc ghe như thế dao động từ 500.000 đồng đến khoảng 2 triệu đồng, giúp cho chàng trai người dân tộc Khmer này có nguồn thu nhập khá ổn định.
“Tôi cảm thấy vui khi mà minh làm được ghe Ngo mô hình và được mọi người hài lòng khi mua, được mọi người tin tưởng đặt em làm, giờ mọi người chỉ cần đặt qua điện thoại hoặc mạng xã hội là em sẽ làm và gửi cho họ”, anh Si Dol chia sẻ.
Hay như thanh niên Lâm Thanh Tuấn ở ấp Long An, xã Tân Long, thị xã Ngã Năm dám nghĩ, dám làm đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi ếch.
Không đất sản xuất, anh Tuấn làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống gia đình. Đến năm 2010, anh quyết định về quê khởi nghiệp. Lân la tìm hiểu, xem xét thị trường, anh Tuấn quyết định mua 3.000 ếch con về nuôi thử nghiệm.
Từ tìm hiểu, nghiên cứu, học tập cách nuôi qua sách, báo và tham gia các lớp tập huấn nuôi ếch ở địa phương tổ chức, đặc biệt là tích lũy kinh nghiệm từ các lần nuôi thực tế trong gia đình, mô hình nuôi ếch của anh Tuấn từng bước mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Để tăng thêm thu nhập, lợi nhuận, những năm gần đây, anh Tuấn còn chủ động con giống bằng cách dành 1 bồn để thả 20 cặp ếch giống. Những cặp ếch giống này được nuôi trong thời gian từ 8 - 9 tháng là đẻ trứng.
Do đặc thù ếch tăng trưởng nhanh nên khoảng 3 tháng chăm sóc là ếch đã có thể xuất bán được, mỗi năm anh nuôi 4 đợt. Về đầu ra cho sản phẩm, anh Tuấn cho biết hiện nay anh xuất bán cho một số cửa hàng, giá bán khoảng 45.000 đồng/kg, với mỗi đợt anh nuôi khoảng 2.000 con ếch thịt và xuất bán khoảng 30.000 - 40.000 con ếch giống, thu lãi mỗi năm vài chục triệu đồng.
Anh Tuấn cho biết, “thời gian tới tôi dự kiến sẽ mở rộng mô hình nuôi ếch, nhất là tăng số lượng nhân giống ếch con để bán cho bà con. Mấy năm qua, tôi thường bán khoảng 30.000 con ếch giống môi năm, bán cho bà con xung quanh đây. Năm tới tôi sẽ tăng số lượng, bán giống, còn bao nhiêu tôi để nuôi ếch thịt”.
Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, anh Tuấn còn làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - Vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ấp, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất để nhiều thanh niên cùng tham gia phát triển kinh tế. Hiện nay, kinh tế gia đình anh Tuấn có bước phát triển, vươn lên thoát nghèo và lo cho 3 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL