1. Kinh doanh

Temu gây 'sốt' toàn cầu nhưng tài sản ông chủ liên tục sụt giảm

Ông Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings chỉ xếp thứ 4 trong bảng xếp hạng giàu có tại Trung Quốc. Ảnh: Forbes.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc do Viện nghiên cứu Hurun công bố ngày 29/10, nhà sáng lập công ty mẹ TikTok, Zhang Yiming đã có lần đầu tiên trở thành người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản ước tính 49,3 tỷ USD, vượt qua ông trùm nước đóng chai Zhong Shanshan.

Trong khi đó, nhà sáng lập Tencent, Pony Ma, đứng ở vị trí thứ 3.

Cũng theo bảng xếp hạng này, ông Colin Huang, nhà sáng lập PDD Holdings - công ty mẹ của Pinduoduo (Trung Quốc) và Temu (phiên bản quốc tế) - lại tiếp tục rớt thêm 1 bậc, xuống vị trí thứ 4 với khối tài sản 34,5 tỷ USD.

Còn theo Forbes, tính đến ngày 29/10, khối tài sản của ông Colin Huang vào khoảng 44 tỷ USD, xếp sau Zhong Shanshan (49 tỷ USD), Pony Ma (45,8 tỷ USD), và Zhang Yiming (45,6 tỷ USD) trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện nay.

Đầu tháng 8, ông chủ Temu từng là người giàu nhất Trung Quốc, nhưng Forbes ước tính tài sản của ông đã "bốc hơi" gần 15 tỷ USD ngay trong tháng 8, từ 50 tỷ USD xuống còn 35,2 tỷ USD.

Hơn 1 tháng qua, nền tảng thương mại điện tử Temu đã gây "sốt" tại thị trường Việt Nam nhờ mức giá siêu rẻ cùng chính sách tiếp thị liên kết (affiliate) với hoa hồng "không tưởng" lên đến 30%.

Song, Temu gây "sốt" tại thị trường Mỹ, châu Âu và châu Á, cùng với ứng dụng bán lẻ Pinduoduo tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc, vượt qua Alibaba cũng chưa đủ giúp tài sản của tỷ phú Colin Huang thoát đà suy giảm.

Đầu năm 2021, tài sản ròng của ông Huang từng đạt đỉnh 71,5 tỷ USD nhưng sau đó nhanh chóng giảm khi cổ phiếu PDD mất gần 90% giá trị. Tuy vậy, PDD Holdings của Colin Huang đã hồi phục mạnh mẽ với chiến lược tấn công thị trường quốc tế thông qua phiên bản quốc tế Temu, được hậu thuẫn bởi tập đoàn công nghệ Tencent Holdings.

Ông Colin Huang, lớn lên tại Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, từng là thần đồng toán học và làm việc tại Google Trung Quốc.

Trong hơn 2 năm qua, Colin Huang đã đạt nhiều thành công trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu lao dốc do kinh tế gặp khó khăn và xung đột địa chính trị kéo dài.

Để kích cầu mua sắm, Temu sử dụng chiến lược "giao siêu nhanh, hàng siêu rẻ" thông qua mô hình B2C (giao hàng từ xưởng đến tận tay người dùng). Điều này giúp Temu loại bỏ các khâu trung gian nhằm giảm chi phí và vượt trội về tốc độ giao hàng.

Nền tảng nhanh chóng được mở rộng sang nhiều nước và hiện có mặt ở 80 thị trường, gồm Mỹ, châu Âu, Canada, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Indonesia...

Sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc của Temu lập tức đánh trúng tâm lý chi tiêu "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng, cuốn khách hàng lao vào những cuộc chiến "săn sale" để sở hữu nhiều món đồ giá hời.

Nhờ vậy đến cuối năm 2023, PDD đã vượt Alibaba của Jack Ma, trở thành công ty internet lớn thứ 2 tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, gần đây các tập đoàn lớn khác của Trung Quốc như Alibaba và ByteDance (công ty mẹ của TikTok) đã đẩy mạnh mảng hàng hóa giá thấp, làm tăng đáng kể mức độ cạnh tranh, khiến tình hình kinh doanh của PDD dần khó khăn hơn và giá cổ phiếu khó quay lại đỉnh cũ.

Trên thị trường quốc tế, Temu cũng gặp nhiều thách thức khi đối mặt với chính sách thương mại khắt khe từ các cơ quan quản lý tại Mỹ, EU và các nước khác do lo ngại tạo ra cuộc chiến không công bằng với các nhà bán hàng nội địa.

Temu đã bị cáo buộc lợi dụng lỗ hổng thương mại để đưa hàng hóa miễn thuế trị giá hàng tỷ USD vào các nước thông qua các kiện hàng nhỏ trực tiếp từ Trung Quốc.

Ngoài ra, truyền thông quốc tế cũng chỉ trích Temu về việc phá giá để chiếm lĩnh thị trường, và nhiều quốc gia đang đề xuất áp dụng các biện pháp thuế quan để ngăn chặn.

Riêng tại Việt Nam, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc mới đây đã khẳng định Chính phủ sẽ bãi bỏ quyết định về việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Temu.

Cẩm Tú

Tin khác