1. Kinh doanh

Tạo nguồn sinh kế cho người có hoàn cảnh khó khăn

Trước khi bắt đầu triển khai dự án, các tình nguyện viên đã tiến hành khảo sát chi tiết về nhu cầu của người dân tại các khu vực khó khăn.

Ít ai ngờ rằng, dù chỉ mới 22 tuổi, Nguyễn Đức Hậu, đến từ Đức Trọng, Lâm Đồng, đã có 4 năm gắn bó các dự án thiện nguyện xã hội. “Tháng 8/2022, tôi chính thức thành lập Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà để giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình”, Hậu chia sẻ.

Những năm đầu hoạt động, ít người biết đến câu lạc bộ, một mình Đức Hậu phải cáng đáng gần như tất cả các hoạt động từ kêu gọi tài trợ, tìm gặp người dân cho đến truyền thông, chia sẻ thông tin. Đến thời điểm hiện tại, câu lạc bộ đã có hơn 50 tình nguyện viên, nhiều dự án chất lượng với sức lan tỏa sâu rộng đã và đang được triển khai.

“Cho cần câu, không cho cá” là dự án trọng điểm mà Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà thực hiện trong năm 2024. Đại diện Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà cho biết, trước khi bắt đầu triển khai, nhóm dự án đã thực hiện một cuộc khảo sát chi tiết về nhu cầu của người dân tại các khu vực khó khăn nhằm hiểu rõ từng hoàn cảnh cụ thể, từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Dựa trên kết quả khảo sát, đội ngũ dự án sẽ chia các đối tượng hưởng lợi thành 2 nhóm chính và xây dựng một kế hoạch triển khai chi tiết cho từng nhóm. Đối với những người không còn khả năng lao động, nhóm dự án sẽ cung cấp nhu yếu phẩm để bảo đảm họ có cuộc sống ổn định. Đối với các hộ gia đình còn khả năng lao động, câu lạc bộ sẽ trao tặng vật nuôi và cây trồng, cùng các chương trình đào tạo kỹ năng sản xuất, quản lý tài chính gia đình.

Thay vì hoạt động độc lập, dự án tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác về cung cấp vật nuôi, giống cây trồng cũng như cơ hội việc làm. Sự hợp tác này vừa bảo đảm nguồn cung cấp chất lượng, vừa là cầu nối giữa doanh nghiệp đang cần lao động và người dân đang cần việc làm, mang lại lợi ích cho cả hai phía.

500 cây giống mắc-ca được Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà chuẩn bị để gửi đến những hộ gia đình khó khăn.

Những người tham gia sẽ được hướng dẫn một cách kỹ lưỡng từ cách chăm sóc vật nuôi, trồng trọt, đến cách lập kế hoạch kinh doanh và quản lý tài chính gia đình. Từ đó, họ có thể nắm bắt các kỹ thuật và phương pháp để tạo ra hiệu quả kinh tế cao.

Theo Nguyễn Đức Hậu, khi đã hoàn thành các buổi đào tạo, dự án tiến hành phân phát vật nuôi, giống cây trồng cho các hộ gia đình có khả năng tự phát triển. Đối với những người không còn khả năng lao động, dự án phân phát nhu yếu phẩm theo kế hoạch đã đề ra. Việc phân phát được thực hiện dựa trên nhu cầu cụ thể của từng cá nhân, từng hộ gia đình. Cách tiếp cận này bảo đảm hoạt động thiện nguyện áp dụng cho đúng người, đúng việc. Hiệu quả mang lại cũng toàn diện và lâu bền hơn.

Đến nay, dự án đã trao tặng 100 phần hạt giống cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Sau 3 tháng trồng trọt và chăm sóc, người dân đã có thể thu hoạch và tự trang trải cuộc sống hằng ngày từ vườn cây xanh. Đồng thời, khoảng 200 con gà cũng được gửi đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để người dân để có thể nuôi, nhân giống. Hơn hết, người dân cũng dần ý thức về việc cần tự làm để tự lực về tài chính.

Sau khi bàn giao cây, giống cho các hộ gia đình, dự án không dừng lại ở việc "trao cần câu" mà tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện của người dân. Nhóm dự án duy trì sự liên lạc chặt chẽ với các hộ gia đình, hỗ trợ khi cần thiết và ghi nhận những khó khăn mà họ gặp phải. Điều này cũng giúp dự án điều chỉnh các giải pháp một cách phù hợp với thực tế.

Kết thúc công tác trao vật phẩm, nhóm thiện nguyện cũng tổ chức các cuộc họp, thu thập ý kiến từ người dân và địa phương để đánh giá hiệu quả của từng mô hình hỗ trợ. Những kinh nghiệm và bài học được rút ra sẽ là cơ sở để nhóm cải thiện, mở rộng và phát triển dự án trong tương lai.

Ngoài việc tạo cơ hội nghề nghiệp, Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà còn tổ chức khám sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhóm tình nguyện viên từ Câu lạc bộ thiện nguyện Lâm Hà cũng chung tay xây dựng mô hình kết nối việc làm cho thanh niên khó khăn. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương, nhóm đối tượng này sẽ cơ hội học hỏi, trang bị kỹ năng và giới thiệu việc làm phù hợp. Điều này không chỉ giúp họ cải thiện thu nhập mà còn hỗ trợ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp.

Bằng cách làm đặc biệt, dự án “Cho cần câu, không cho cá” đã góp phần thay đổi tư duy thiện nguyện từ việc “cho” sang việc “trao cơ hội” để những người có điều kiện khó khăn có thể tự lực vươn lên trong cuộc sống, mở ra tương lai sáng cho chính mình.

MINH ANH

Tin khác