Tân Yên: Giảm nghèo thông tin gắn với chuyển đổi số
Phủ sóng thông tin bằng công nghệ số
Từ 5 giờ 30 phút sáng, Đài truyền tranh xã Phúc Hòa đã phát sóng bản tin về các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn xã; những gương người tốt việc tốt, mô hình làm kinh tế giỏi... Chương trình phát thanh được thiết kế từ 15-30 phút phát sóng; sau đó sẽ tự động tiếp sóng của đài truyền thanh huyện, tỉnh để các nguồn thông tin được đa dạng. Vừa dọn dẹp hàng tạp hóa, bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Lân Thịnh vừa tranh thủ nắm bắt thông tin qua đài. Bà kể, giọng phát thanh viên rất hay, truyền đạt thông tin rõ ràng. Như sáng nay, bản tin nói về kết quả xây dựng xã thương mại điện tử, công tác vận động người dân giao nộp vũ khí, giá cam bưởi tăng cao... rất bổ ích cho người dân.
Được biết, Phúc Hòa là xã đầu tiên của huyện Tân Yên chuyển đổi sang mô hình Đài truyền thanh thông minh. Theo đó, đài sử dụng mạng Internet hoặc sóng 3G, 4G để truyền và nhận bản tin phát thanh. Từ đây, các bản tin phát thanh không còn tình trạng bị chèn sóng, lẫn sóng, chất lượng âm thanh kém như công nghệ sóng FM trước đây. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo AI được tích hợp trên phần mềm có thể tự động nhận dạng và đọc văn bản thành tin âm thanh để phát ra hệ thống loa mà không cần phát thanh viên thu âm. Với những lợi ích đó, xã Phúc Hòa đã lắp đặt mới hệ thống loa truyền thanh thông minh tại 4 thôn: Quất Du 1, Cạn, Hòa Làng, Phúc Lễ và hệ thống thiết bị phát wifi miễn phí tại nhà văn hóa của 11 thôn, 2 điểm di tích lịch sử.
Chị Nguyễn Thị Diễn, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã Phúc Hòa cho biết: “Việc ứng dụng Đài Truyền thanh thông minh không chỉ giúp cán bộ phụ trách giảm áp lực và xử lý công việc chuyên môn nhanh gọn hơn mà còn dễ khắc phục sự cố. Cùng đó, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa được cải thiện rõ rệt”.
Xác định thiếu hụt thông tin là một trong những rào cản quan trọng trong giảm nghèo đa chiều. Thời gian qua, huyện Tân Yên đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án. Theo ông Giáp Văn Lượng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc giảm nghèo, Phòng tham mưu UBND huyện triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin, dịch vụ số.
Trong đó yêu cầu các xã, thị trấn, phòng, ngành chức năng tăng cường phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, mô hình phát triển kinh tế gia đình; các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... qua nhiều hình thức tuyên truyền như: Phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử xã, mạng xã hội facebook, zalo và trong các cuộc họp, hội nghị... Qua đó góp phần phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương vượt khó thoát nghèo, giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo.
Dự kiến cuối năm nay, huyện sẽ tiếp tục triển khai chuyển đổi mô hình truyền thanh thông minh ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện, Đài Truyền thanh các xã: Ngọc Châu, Lan Giới và thị trấn Nhã Nam. Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực số cho người dân và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.
Ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực thiết yếu
Bên cạnh những giải pháp giảm nghèo đa chiều thiết thực đã và đang được triển khai, để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin giảm nghèo bền vững, huyện Tân Yên ưu tiên CĐS trên 10 lĩnh vực thiết yếu, phục vụ nhân dân như: Y tế, giáo dục, truyền thanh, nông nghiệp, giao thông... Huyện chỉ đạo các ngành, địa phương, hội, đoàn thể thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, đặc biệt là công tác giảm nghèo thông tin gắn với CĐS.
Đồng thời, tập trung nâng cấp hạ tầng thông tin; hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số để xây dựng công dân số giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và đời sống. Cụ thể như: Hạn chế dùng tiền mặt; cài đặt các ứng dụng định danh điện tử, bảo hiểm xã hội; thực hiện dịch vụ công trực tuyến; bán hàng qua mạng; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Qua đó giúp bà con tiếp cận những thông tin hữu ích và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, kinh doanh
Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh của huyện đã triển khai khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế. Toàn huyện có 43 vùng sản xuất được cấp mã số, trong đó có 28 mã vùng trồng vải và vú sữa xuất khẩu (thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, Thái Lan, Trung Quốc....); 15 mã vùng trồng nội địa trên các loại cây trồng: Lúa, sâm Nam núi Dành, măng lục trúc, kim tiền thảo, dưa, ngô; quản lý 2 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Cùng đó duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất tại 78 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, 62 mô hình ứng dụng công nghệ cao có liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã, áp dụng quy trình đồng bộ.
Với thế mạnh là nông nghiệp, huyện khuyến khích nông dân tích cực sản xuất, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện nay, huyện có 45 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao - 4 sao; 38 chủ thể có sản phẩm OCOP là chủ hộ kinh doanh và hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trang web riêng để giới thiệu sản phẩm; 45/45 sản phẩm OCOP được đưa lên giao dịch mua bán qua các sàn thương mại điện tử như: Postmart.vn, tanyenmart.vn, 24h.vn, Sendo.vn, ocopmart, hệ thống siêu thị GO... Nhờ đó góp phần tăng doanh thu cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh.
HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Vinh Quang ở xã Cao Xá chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp và các loại nông sản, các loại rau quả xuất khẩu như cà chua bi, dưa bao tử, ớt chỉ thiên. Ông Giáp Văn Nam, Giám đốc HTX chia sẻ: "Qua các trang mạng, tôi hiểu được ý nghĩa của việc liên doanh, liên kết sản xuất và tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bởi vậy từ 9 thành viên ban đầu (năm 2017), đến nay, HTX đã đồng hành, liên kết cùng bà con ở địa phương trong xã, huyện và một số vùng lân cận để cung ứng giống, vật tư phân bón và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm". Mới đây, sản phẩm cà chua bi Vinh Quang được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện để HTX tiếp tục phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.
Lắng nghe, tìm hiểu và cân nhắc lựa chọn những thông tin hữu ích, an toàn, có lợi, nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã vận dụng hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, nâng kỹ năng nghề nghiệp góp phần giảm nghèo hiệu quả, chống tái nghèo. Theo kết quả rà soát năm 2023, huyện Tân Yên còn 1.122 hộ nghèo (tỷ lệ 2,21%), giảm 523 hộ so với năm 2022 và 1.729 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,4%), giảm 402 hộ so với năm 2022. Từ kinh nghiệm triển khai giảm nghèo về thông tin, công tác truyền thông chính sách, giảm nghèo bền vững của huyện trong thời gian sẽ tới tiếp tục đạt kết quả tốt.
Bài, ảnh: Tiến Long