Tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Với niềm đam mê sáng tạo và mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng xã hội, các học sinh, sinh viên các trường trong tỉnh đã mang lại nhiều dự án có giá trị thiết thực, có tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ban tổ chức Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ IV năm 2024 cho biết, qua chọn sơ khảo với hơn 70 dự án tham gia Ban tổ chức đã chọn ra được 47 dự án tham gia vòng bán kết. Các dự án tham gia lần này thuộc nhiều lĩnh vực và đa số sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như: Dự án Tôm khô càng xanh một nắng, Bột chuối xanh U Minh Thượng, Bột tắm lá bàng, Mì khoai môn, Bánh khóm Tắc Cậu. Đối với ý nghĩa góp phần phục vụ đời sống, xã hội có các dự án như: Thiết bị theo dõi điện thông minh giao tiếp qua APP BLYNK 2.0, Thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas và giải pháp xử lý, Sức sống mới từ những mảnh vụn, dự án Giám sát và điều khiển mô hình trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ IOT…
Em Nguyễn Thị Hồng Pha, Trưởng nhóm thực hiện dự án Tôm khô càng xanh một nắng (học sinh Trường Trung cấp nghề vùng U Minh Thượng, Kiên Giang) cho biết được sinh ra và lớn lên trên vùng đất sản xuất lúa-tôm ở huyện U Minh Thượng nên nguồn nguyên liệu tôm càng xanh rất dồi dào, có quanh năm. Tuy nhiên, do đặc điểm tôm càng xanh trữ đông không còn giữ được chất lượng thịt nên chưa xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, thị trường tiêu thụ trong nước nên giá tôm thương phẩm trên thị trường khá thấp, từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, giá tôm còn khá bấp bênh do thương lái ép giá nông dân. Trong khi đó tôm càng xanh phơi khô một nắng rất ngon, ngọt nên có tiềm năng phát triển sản phẩm này trên thị trường.
“So với tôm khô làm từ tôm sú, tôm thẻ tôm khô càng xanh một nắng thịt mềm, dai và thơm ngọt không kém. Trong khi đó, giá tôm sú, tôm thẻ phơi khô có giá từ 900.000-1.200.000 đồng/kg, còn tôm khô càng xanh một nắng làm ra bán với giá 700.000 đồng/kg vừa giúp người bán có lời mà người tiêu dùng cũng không phải chi nhiều tiền để mua. Gia đình tôi đã làm thử tôm khô càng xanh một nắng bán cho người quen và được nhiều người khen ngon, họ cũng đặt làm thêm để biếu tặng người quen nên tôi nghĩ dự án này có tính khả thi. Tôi cũng hy vọng sản phẩm này được phát triển giúp tiêu thụ tôm càng xanh của nông dân có giá ổn định hơn”, Hồng Pha chia sẻ.
Em Huỳnh Thị Mỹ Viên (sinh viên ngành Giáo dục Mầm non, Trường cao đẳng sư phạm Kiên Giang), Trưởng nhóm thực hiện dự án Bột tắm lá bàng cho biết, qua tìm hiểu trên các sách, báo, tạp chí khoa học về tác dụng của lá bàng, cũng như trong thực tế người dân thường nấu lá bàng tắm để diệt khuẩn cho cơ thể, nhất là cho trẻ em rất hiệu quả. Vì vậy, nhóm đã lên ý tưởng sản xuất bộ tắm lá bàng để vừa tạo nguồn thu nhập cho người tham gia, vừa giúp mọi người dễ dàng mua và sử dụng.
“Ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh Kiên Giang đều có cây bàng mộc tự nhiên, nhất là tại các hòn đảo, khu vực ven bờ biển có rất nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi trong sản xuất bột tắm lá bàng và chúng em hy vọng sau hội thi, được ban giám khảo, các chuyên gia chia sẻ, góp ý sẽ giúp nhóm có thêm kiến thức, kinh nghiệm hoàn chỉnh hơn chất lượng, mẫu mã sản phẩm để chúng em khởi nghiệp cũng như nhân rộng mô hình tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người sắp tới”, Mỹ Viên chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang đánh giá, qua 4 lần tổ chức Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh cho thấy qua từng năm chất lượng các dự án tham gia nâng lên đáng kể. Hầu hết các dự án vào vòng bán kết đều có tiềm năng khởi nghiệp và có giá trị, ý nghĩa góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh cho biết, để các dự án của học sinh, sinh viên, thanh niên được phát triển thành những mô hình khởi nghiệp thành công, phát triển trên thị trường là cả một quá trình đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ từ các nhà khoa học, chuyên gia, chính quyền địa phương về hướng dẫn kỹ thuật, đăng ký thương hiệu… Trong đó, đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ về vốn từ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho thanh niên, từ ngân sách nhà nước, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư.
Chính quyền địa phương nên phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và tổ chức đào tạo để cung cấp các chương trình đào tạo về quản lý doanh nghiệp, marketing, tài chính và công nghệ thông tin cho sinh viên, thanh niên; cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm việc phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, trung tâm kết nối doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội chợ, triển lãm và sự kiện kết nối doanh nghiệp với các đối tác thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm giúp quảng bá sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp cũng như tạo cơ hội cho các bạn tìm kiếm đối tác và nhà đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững”, ông Nguyễn Xuân Niệm cho hay.
Kết quả, Ban tổ chức chọn ra được 15 dự án để tham dự vòng chung kết Hội thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ IV năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 11.
Văn Sĩ/TTXVN