Sự trỗi dậy và suy tàn của 'đế chế' Intel
Intel, từ lâu đã là biểu tượng trong ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ của Hoa Kỳ. Công ty đang trải qua những thử thách lớn dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc điều hành Pat Gelsinger.
Được thành lập vào năm 1968 bởi Robert Noyce và Gordon Moore, Intel đã giúp tái thiết Thung lũng Santa Clara của California thành trung tâm công nghệ Silicon Valley.
Trải qua nhiều thập kỷ, công ty đã chứng kiến nhiều thăng trầm, từ vị thế tiên phong đến việc đánh mất thị phần vào tay các đối thủ như AMD, Nvidia và TSMC.
Những thập kỷ đầu thành công
Intel bắt đầu khẳng định vị trí vào năm 1971 khi ra mắt bộ vi xử lý 4004, sản phẩm đầu tiên có khả năng lập trình, đặt nền móng cho sự phát triển của CPU.
Năm 1981, bộ vi xử lý 8088 trở thành "bộ não" của máy tính cá nhân IBM, khai sinh kỷ nguyên máy tính cá nhân.
Dưới sự lãnh đạo của CEO Andy Grove từ năm 1987, Intel đã vượt qua giai đoạn suy thoái trong ngành bán dẫn và trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp này tại Hoa Kỳ.
Năm 1993, Intel giới thiệu dòng chip Pentium, đẩy mạnh tốc độ xử lý lên gấp 300 lần so với bộ vi xử lý 8088 trước đó.
Chiến dịch "Intel Inside" của công ty giúp thương hiệu trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, đồng thời tạo dấu ấn văn hóa thông qua quảng cáo truyền hình.
Cạnh tranh gia tăng, bước lùi đầu tiên
Vào cuối những năm 90, Intel bắt đầu gặp thách thức từ các đối thủ mới nổi. Năm 1999, Nvidia ra mắt bộ xử lý đồ họa (GPU), loại chip trở nên không thể thiếu trong PC và máy chủ.
Trong khi Intel tiếp tục tập trung vào CPU, Nvidia nhanh chóng nắm bắt được xu hướng công nghệ AI, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc cách mạng AI trong những năm 2020.
Thời điểm này, Intel vẫn kiên trì với chiến lược CPU, khiến công ty mất lợi thế khi cuộc đua AI bắt đầu bùng nổ.
Bước vào thế kỷ 21, Intel đối mặt với sự bùng nổ của thị trường điện thoại di động. Khi Apple ra mắt iPhone năm 2007, Intel từ chối thỏa thuận sản xuất bộ xử lý iPhone do không thấy kế hoạch này khả quan. Apple sau đó chọn chip dựa trên thiết kế của Arm Holdings, khiến Intel lỡ cơ hội bước vào thị trường di động.
Sự cạnh tranh khốc liệt và thay đổi chiến lược
Năm 2013, CEO Brian Krzanich tập trung đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của Intel, phát triển trung tâm dữ liệu và chip ô tô, nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường PC đang giảm sút.
Dù vậy, Krzanich cũng quyết định không đầu tư vào công nghệ quang khắc cực tím (EUV) vào năm 2014, khiến Intel bị tụt lại phía sau khi TSMC và Samsung dần vượt qua về công nghệ sản xuất.
Intel liên tiếp gặp khó khăn khi Samsung trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới về doanh thu vào năm 2017 và sau đó là TSMC vượt mặt về công nghệ. Đến năm 2020, Intel bị Nvidia vượt qua về giá trị thị trường khi GPU của Nvidia trở thành nền tảng cho các công nghệ AI thế hệ mới.
Sự trở lại của Pat Gelsinger và chiến lược phục hồi
Năm 2021, Pat Gelsinger trở thành CEO với nhiệm vụ khôi phục Intel sau hàng loạt thất bại.
Ông đưa ra kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, bao gồm việc xây dựng hai nhà máy mới tại Arizona với ngân sách 20 tỉ USD, nhằm biến Intel thành nhà sản xuất chip cho các công ty khác.
Đến năm 2024, Intel tiếp tục công bố đầu tư 100 tỉ USD tại bốn tiểu bang Hoa Kỳ để mở rộng sản xuất.
Với sự hỗ trợ từ chính phủ, công ty đang đặt cược vào việc khôi phục khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.
Những thách thức hiện tại và tương lai
Dù chiến lược của Gelsinger nhận được nhiều sự kỳ vọng, Intel vẫn đối mặt với thách thức lớn từ các đối thủ.
AMD tiếp tục giành thị phần trong thị trường CPU và chip PC, trong khi Nvidia và TSMC duy trì lợi thế vượt trội trong công nghệ AI và sản xuất chip tiên tiến. Để củng cố vị trí, Intel đã phải cắt giảm 17.500 việc làm, tạm dừng trả cổ tức và cải tổ lại các mảng hoạt động kinh doanh đang thua lỗ.
Trong bối cảnh cuộc đua sản xuất chip AI và công nghệ tiên tiến ngày càng khốc liệt, Intel đang nỗ lực duy trì vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn mà họ từng dẫn đầu.
Quyết tâm và sự thay đổi dưới thời Gelsinger có thể giúp Intel phục hồi, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết từ những gã khổng lồ công nghệ khác như AMD, Nvidia và TSMC.
Theo Reuters
Tiến Dũng