1. Kinh doanh

Sự trỗi dậy của thị trường hàng hiệu 'second-hand'

Ảnh minh họa

Thời kỳ ảm đạm của thời trang xa xỉ

Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, ngành hàng xa xỉ trên toàn cầu đang gặp phải một thách thức mới: tiêu thụ dưới định mức. Khi nhiều người tiêu dùng "quay lưng" với hàng xa xỉ vì giá quá cao và xu hướng thời trang thay đổi nhanh chóng, điều này đã đặt ra những khó khăn lớn cho các thương hiệu xa xỉ.

Vào đầu tháng 8/2024, cổ phiếu của Kering, "gã khổng lồ" đứng sau các thương hiệu như Gucci, Balenciaga, Yves Saint Laurent và Alexander McQueen, đã chạm mức thấp nhất trong 7 năm qua. Kering dự kiến lợi nhuận nửa cuối năm nay sẽ giảm 30%, sau khi đã giảm 42% trong nửa đầu năm. Trong khi đó, tập đoàn LVMH của Pháp cũng bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm sức mua khi doanh số bán hàng không đạt kỳ vọng, ngay cả trong nhóm khách hàng giàu có và ít bị ảnh hưởng bởi xu hướng mua sắm tiết kiệm của giới trẻ. Dường như chỉ những thương hiệu phục vụ nhóm người siêu giàu mới không phải đối mặt với thách thức này. Hermes báo cáo doanh số tăng 13%. Trong khi đó, nhà mốt Burberry gần đây cũng đưa ra cảnh báo về lợi nhuận và việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành (CEO) mới. Giá cổ phiếu của công ty cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Trung tâm mua sắm Vittorio Emanuele II ở Milan, Ý

Mức độ quan tâm đến hàng xa xỉ đang giảm mạnh khi người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sau đại dịch Covid-19. Với giá thuê nhà cao ngất ngưởng và thị trường việc làm đầy thách thức, việc chi tiền cho hàng xa xỉ dường như trở thành điều xa vời với thế hệ Millennial (những người sinh ra từ đầu thập nhiên 80 đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước) và thế hệ Z (những người sinh ra từ giữa thập niên 90 đến những năm đầu thập niên 2010). Thay vì bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu một chiếc túi hàng hiệu, họ tìm đến các chợ đồ cũ.

Vestiaire Collective, một nền tảng chuyên về quần áo "second-hand" có trụ sở tại Paris (Pháp), cho biết, họ đang thu hút nhiều người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennial và thế hệ Z. Fanny Moizant, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của Vestiaire, chia sẻ: "Mua sắm đồ second-hand từng chịu sự kỳ thị, đặc biệt là trong ngành hàng xa xỉ". Vestiaire đã báo cáo mức tăng trưởng 7% trong doanh số bán hàng của mình vào năm ngoái, ngược lại với tình hình ảm đạm ở các "đế chế" hàng xa xỉ như Kering, LVMH hay Burberry. Từng được coi là một phân khúc nhỏ, thị trường hàng hiệu "second-hand" đã được Bain & Co định giá lên tới 46,5 tỷ USD vào năm 2022.

Sellier, một nền tảng bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng có trụ sở tại Anh, cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến và tại một cửa hàng ở Knightsbridge, một trong những khu vực mua sắm cao cấp ở London (Anh). CEO Hanushka Toni cho biết, doanh số bán hàng của họ đã tăng 25% vào năm ngoái. Giá trên Sellier có thể khác nhau, như túi Hermès có thể được mua trên các chợ đồ cũ, dù giá thường cao hơn. Nhưng với những thương hiệu khác không bị hạn chế về nguồn cung, người tiêu dùng có thể tìm thấy các sản phẩm "second-hand" với mức giá thấp hơn từ 20% đến 80% so với giá bán lẻ ban đầu.

Túi xách Louis Vuitton được bày bán trong một cửa hàng

Thế hệ mua sắm có ý thức

Trong khi các thế hệ trước thường gắn mác hàng "second-hand" với khả năng kinh tế của một người, người tiêu dùng trẻ hiện nay lại xem việc mua đồ cũ như một lựa chọn có ý thức với môi trường. Tính bền vững đã trở thành yếu tố thúc đẩy sự gia tăng của thị trường hàng hiệu "second-hand". Những kỳ thị về việc mua đồ đã qua sử dụng đang dần biến mất, mở ra một phân khúc mới cho thế hệ người tiêu dùng quan tâm đến môi trường và muốn đưa ra những lựa chọn thân thiện với môi trường. Việc mua lại những món đồ đã qua sử dụng đồng nghĩa với kéo dài tuổi thọ của món đồ, thay vì vứt chúng vào bãi rác. Theo Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu, ngành thời trang, đặc biệt là phân khúc thời trang nhanh, tạo ra 20% lượng nước thải và 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn lượng khí thải của tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại.

Theo báo cáo năm 2023 do Thredup thực hiện với sự phân tích của công ty nghiên cứu thị trường GlobalData, nếu mỗi người tiêu dùng chỉ mua một món đồ đã qua sử dụng thay vì một món đồ mới, lượng khí thải CO2 sẽ giảm hơn 90.000 tấn, tương đương với việc loại bỏ 76 triệu ô tô khỏi đường mỗi ngày và tiết kiệm hơn 87 tỷ lít nước cùng 4 tỷ kilowatt giờ năng lượng.

Một nghiên cứu năm 2022 của ThredUp và GlobalData đã dự đoán rằng thị trường đồ "second-hand" sẽ tăng trưởng 127% vào năm 2026. Nghiên cứu cũng cho biết khoảng 62% số người thuộc thế hệ Millennial và thế hệ Z đang tích cực tìm kiếm các lựa chọn đồ đã qua sử dụng trước khi mua một món đồ mới.

Nguồn: Theo Guardian, Fortune

Jade Nguyễn

Tin khác