Sự kiện robotaxi của Tesla gây phản ứng trái chiều ở Trung Quốc khi Elon Musk đối mặt các đối thủ đáng gờm
Tesla phát trực tiếp sự kiện trên hầu hết nền tảng truyền thông xã hội lớn ở Trung Quốc, gồm cả WeChat Channels, Douyin, Kuaishou, Xiaohongshu, Weibo và Bilibili. Sự kiện này nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành hàng đầu trên Weibo, thường được gọi là "mạng xã hội X của Trung Quốc".
Trong khi nhiều người ở Trung Quốc ca ngợi tầm nhìn công nghệ và thiết kế tương lai được Elon Musk trình bày, không ít người thất vọng vì Tesla thiếu các bản cập nhật cụ thể hoặc ứng dụng thực tế ngay lập tức.
Sự kiện diễn ra tại xưởng phim Warner Bros ở thành phố Burbank (bang California, Mỹ), nơi Tesla giới thiệu nguyên mẫu Cybercab, chiếc robotaxi hai cửa hình cánh bướm và không có bàn đạp hoặc vô lăng, khá giống sự kết hợp giữa Cybertruck và Model Y. Robotaxi là chiếc ô tô được trang bị công nghệ tự hành, có khả năng di chuyển và vận chuyển hành khách mà không cần đến sự điều khiển trực tiếp của con người.
Ngoài ra, Tesla còn giới thiệu Robovan (xe buýt được thiết kế để chở tối đa 20 hành khách) và robot hình người biết nhảy Optimus.
"Tương lai tự hành đã ở đây. Chúng tôi có 50 chiếc xe hoàn toàn tự hành ở đây tối nay. Bạn sẽ thấy Model Y và Cybercab tất cả đều không có người lái", Elon Musk – Giám đốc điều hành Tesla tuyên bố.
Ông nói Cybercab sẽ có giá 20 cent/dặm (1 dặm = 1.609km) để vận hành.
"Trong phần lớn thời gian, ô tô không được dùng để làm gì cả. Song nếu tự lái, chúng có thể được sử dụng nhiều hơn 5 lần, thậm chí đến 10 lần", tỷ phú giàu nhất thế giới nói trên sân khấu.
Kế hoạch của Elon Musk là vận hành đội robotaxi Tesla mang tên Cybercabs mà hành khách có thể gọi thông qua ứng dụng. Những người sở hữu Cybercab riêng lẻ cũng có thể kiếm tiền trên ứng dụng này bằng cách liệt kê xe của họ là robotaxi.
Sự kiện mang tên We, Robot ám chỉ truyện ngắn khoa học viễn tưởng I, Robot của nhà văn Isaac Asimov (Mỹ) nhưng cũng phản ánh sự khẳng định từ Elon Musk rằng Tesla "nên được coi là công ty robot AI" chứ không phải là hãng sản xuất ô tô.
Những người tham dự sự kiện có cả nhà đầu tư, nhà phân tích chứng khoán và người hâm mộ Tesla. Câu hỏi hàng đầu của họ là Tesla có thể tăng tốc sản xuất robotaxi nhanh như thế nào, với chi phí bao nhiêu và quan trọng là hãng có thể kiếm được bao nhiêu tiền từ hoạt động kinh doanh taxi.
Nhiều người cũng sẽ chú ý đến tiến độ mà Tesla đã đạt được với phần mềm tự động lái một phần mà công ty tiếp thị là Full Self-Driving (FSD), với một số chuyên gia dự đoán sẽ hỗ trợ cho robotaxi của hãng. FSD là hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến được phát triển bởi Tesla, hướng đến mục tiêu sẽ giúp xe tự động lái hoàn toàn mà không cần sự can thiệp của con người trong nhiều tình huống. Tuy nhiên, FSD vẫn đang trong giai đoạn phát triển và không hoàn toàn tự động.
Phản ứng ở Trung Quốc với sự kiện của Tesla khá trái chiều. Lilaoba, người có sức ảnh hưởng trên Weibo với 1,2 triệu người theo dõi, đã ca ngợi sự kiện của Tesla, tuyên bố rằng "các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nên học hỏi từ điều này".
Tuy nhiên, một số cư dân mạng chỉ trích lời khen ngợi đó, nói rằng những chiếc xe dạng ý tưởng này còn lâu mới được sản xuất hàng loạt. Họ cũng lập luận rằng ô tô điện và công nghệ tự lái của Trung Quốc đã có những lợi thế đáng kể. Tại Trung Quốc, một số gã khổng lồ công nghệ đã bắt đầu thử nghiệm robotaxi trên đường ở nhiều thành phố, gồm cả một đội xe lớn do Baidu (gã khổng lồ về tìm kiếm và AI) điều hành tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Trong khi đó, Tesla vẫn đang chờ cấp phép để ô tô điện tự lái hoàn toàn của mình được sử dụng trên đường phố Trung Quốc.
Tesla đưa ra rất ít thông tin chi tiết và không có mốc thời gian cụ thể cho việc sản xuất Cybercab, Robovan. Elon Musk cho biết Cybercab có giá dưới 30.000 USD, sẽ đi vào sản xuất trước năm 2027, với khả năng lái xe hoàn toàn tự động, không cần giám sát dự kiến sẽ có mặt tại bang Texas và California (Mỹ) vào năm 2025.
Ngành công nghiệp xe tự lái của Trung Quốc đã có chỗ đứng vững chắc, với những công ty lớn như Baidu cũng như công ty khởi nghiệp WeRide, Pony.ai cùng các hãng sản xuất ô tô truyền thống như Xpeng.
Trước sự kiện của Tesla, Giám đốc điều hành Xpeng - He Xiaopeng đã đăng trên Weibo rằng công ty đang đẩy nhanh nỗ lực phát triển robotaxi, nhắm mục tiêu ra mắt vào năm 2026 và tập trung vào phát triển sản phẩm thay vì dịch vụ vận hành.
Dịch vụ Apollo Go của Baidu được cho là đang chuẩn bị thâm nhập vào Hồng Kông. Dù Baidu chưa xác nhận các báo cáo, Cục Vận tải và Hậu cần Hồng Kông cho biết một số dự án xe không người lái đang được tiến hành, với việc cấp phép dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2024.
WeRide, công ty có trụ sở tại Quảng Châu (Trung Quốc), dự kiến sẽ ra mắt robotaxi thế hệ tiếp theo vào ngày 15.10. Trước đó, WeRide đã nhận được sự chấp thuận để thử nghiệm xe không người lái với hành khách tại bang California (Mỹ) vào tháng 8.
Những lời hứa lèo của Elon Musk
Vào năm 2019, Elon Musk cho biết ông "rất tự tin" rằng công ty sẽ có robotaxi hoạt động vào 2020. Sau những lời hứa không thực hiện được, năm nay Elon Musk chuyển trọng tâm sang phát triển các phương tiện khi hủy bỏ kế hoạch sản xuất chiếc ô tô điện nhỏ hơn, rẻ hơn được coi là thiết yếu để ứng phó nhu cầu xe điện đang chậm lại.
Tesla có thể sẽ công bố mức giảm đầu tiên trong doanh số ô tô điện năm nay, vì các ưu đãi mua hàng không thu hút đủ khách hàng đến với dòng xe điện cũ kỹ của công ty. Việc giảm giá mạnh nhằm bù đắp lãi suất cao cũng đã làm giảm biên lợi nhuận của Tesla.
Để thuyết phục các nhà đầu tư rằng Tesla có thể duy trì tốc độ tăng trưởng chóng mặt mà hãng từng báo cáo nhiều quý trước, các nhà phân tích nói Elon Musk cần phải trình làng một nguyên mẫu robotaxi và cung cấp các kế hoạch chi tiết về cách Tesla có thể vượt qua các đối thủ, chẳng hạn Waymo. Là công ty con của Alpbabet, Waymo vận hành robotaxi không người lái chở khách trả tiền tại một số thành phố của Mỹ.
Công nghệ phức tạp và quy định chặt chẽ khiến các công ty khác thua lỗ hàng tỉ USD khi cố gắng thâm nhập thị trường robotaxi, buộc một số hãng phải đóng cửa.
Một số công ty vẫn đang nỗ lực trong lĩnh vực này là Cruise của General Motors, Zoox của Amazon và các công ty Trung Quốc, gồm cả WeRide.
Không giống phần cứng đắt tiền như lidar mà những công ty khác sử dụng, Elon Musk chỉ dựa vào camera và AI để chạy FSD nhằm giảm chi phí. Song FSD, vốn đòi hỏi sự chú ý liên tục của tài xế, phải đối mặt với sự giám sát của cơ quan quản lý và pháp lý với ít nhất hai vụ tai nạn chết người liên quan đến công nghệ này.
Trung Quốc mở toàn bộ đường trên đảo nối với Ma Cao cho ô tô tự lái
Cuối tháng 7, Hengqin (Hoành Cầm), một hòn đảo ở thành phố Chu Hải phía nam Trung Quốc đóng vai trò là cửa ngõ vào Ma Cao, đã mở toàn bộ mạng lưới đường bộ của mình cho các cuộc thử nghiệm ô tô tự lái. Qua đó, Hengqin trở thành khu vực mới nhất ở Trung Quốc áp dụng công nghệ công nghệ xe tự hành.
Khu Hợp tác Hoành Cầm, khu vực đặc biệt được thành lập để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Ma Cao và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), đã mở 330km đường cho các cuộc thử nghiệm ô tô tự lái khi tham gia vào nỗ lực biến khu Vịnh Lớn (Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao) thành trung tâm công nghệ xe tự hành.
Kể từ tháng 9.2022, Khu Hợp tác Hoành Cầm đã dần dần mở các phần của mạng lưới đường bộ cho ô tô tự lái, bắt đầu với 22km đầu tiên dành cho các bài kiểm tra như vậy. Lần phê duyệt thứ tư đã gồm cả 135km cuối cùng của mạng lưới.
Bằng cách mở toàn bộ mạng lưới đường bộ, gồm cả "nhiều tình huống giao thông khác nhau", Hoành Cầm đặt mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô tự lái trong việc "thu thập dữ liệu đường bộ toàn diện hơn để tối ưu hóa thuật toán tự lái của họ", theo tuyên bố được đăng trên tài khoản WeChat chính thức của Khu Hợp tác Hoành Cầm.
Ngoài ra, động thái đó dự kiến sẽ "thu hút nhiều doanh nghiệp ô tô tự lái cùng các tổ chức nghiên cứu và phát triển đến định cư tại Hoành Cầm, điều này sẽ hình thành một cụm ngành công nghiệp ô tô tự lái thông minh trong khu hợp tác".
Ngày càng nhiều thành phố ở Trung Quốc đang mở rộng lựa chọn cho các công ty để thử nghiệm ô tô tự lái. Thâm Quyến (thuộc tỉnh Quảng Đông) là một trong những thành phố tiên phong về dịch vụ robotaxi. Thành phố này đã thử nghiệm dịch vụ taxi tự lái từ năm 2021.
Dịch vụ robotaxi Apollo Go của Baidu đã được thử nghiệm tại quận Nam Sa và Bình Sơn ở thành phố Thâm Quyến. AutoX cũng đã vận hành các dịch vụ robotaxi công cộng ở quận Bình Sơn.
Thâm Quyến, trung tâm công nghệ phía nam Trung Quốc, cũng có kế hoạch đưa một đội xe buýt tự lái gồm 20 chiếc trên các con đường ở quận Tiền Hải cuối năm 2024, gồm các ga tàu điện ngầm, khu thương mại và kinh doanh, khu công nghiệp, khu dân cư và điểm du lịch.
Thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và Vũ Hán đều cho phép thử nghiệm ô tô tự lái.
Vũ Hán gần đây cho phép một đội xe taxi tự lái gần 500 chiếc của Baidu hoạt động trên 35% đường sá ở thành phố, gồm cả một số khu vực trung tâm.
Bắc Kinh cho phép các nhà sản xuất ô tô tự hành, gồm Baidu, Pony.ai, WeRide và AutoX, thử nghiệm sản phẩm của họ chủ yếu ở quận Đại Hưng. Các dịch vụ gồm đưa đón hành khách giữa Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh và khu vực công nghệ cao Yizhuang.
Robotaxi đã đi vào hoạt động trên đường phố của khu tài chính Phố Đông, Thượng Hải vào tuần trước, với giấy phép được cấp cho 4 công ty gồm Baidu, AutoX, Pony.ai và SAIC AI Lab.
Tuy nhiên, việc kiếm tiền từ robotaxi vẫn còn khó khăn ở Trung Quốc vì các công ty dựa vào việc trợ cấp mạnh mẽ cho các dịch vụ này để thu hút người dùng. Việc triển khai mở rộng cũng gây ra một số lo ngại cho những người lo lắng về an ninh việc làm. Gần đây, các tài xế taxi ở Vũ Hán đã kiến nghị với cơ quan giao thông vận tải thành phố về sự phổ biến của dịch vụ Apollo Go mới.
Sơn Vân