Shipper - Buồn, vui theo những đơn hàng
Giữa cái nắng gay gắt của tháng 11, anh Nguyễn Thành Hiệp chạy vòng các tuyến đường nông thôn ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An, chở lỉnh kỉnh hàng hóa. Dừng lại trước một căn nhà, anh kiểm tra thông tin rồi gọi điện thoại: “Chị Ngọc có đơn hàng 375.000 đồng, em để trên hành lang, chị chuyển khoản cho em nha!”. Sau cuộc gọi, anh mang gói hàng để ở hành lang nhà khách hàng quen thuộc như bao lần giao hàng mà không có khách ở nhà. Đây là một trong hàng trăm đơn hàng mà anh Hiệp giao mỗi ngày ở khu vực thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành.
Trước đây, anh Hiệp chở rau, củ tại các chợ. Sau này, thấy nghề giao hàng (shipper) kiếm được nhiều tiền hơn, anh tìm hiểu quy định của công ty để xin việc và gắn bó đến nay gần 5 năm. Vài ngày được hướng dẫn thực hiện các thủ tục, học về kỹ năng giao tiếp, cách sử dụng thiết bị công nghệ, anh được mở tài khoản để bắt đầu công việc. Anh phụ trách giao cố định khu vực thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành. Do nhu cầu mua sắm trực tuyến (online) của khách hàng ngày càng cao nên nhiều người theo nghề shipper. “Những lúc cao điểm lễ, tết hay dịp khuyến mãi, đơn hàng nhiều, chúng tôi làm việc từ sáng sớm đến tận khuya. Tâm lý khách hàng khi mua thì mong nhận hàng nhanh nên khi hàng về kho, chúng tôi cố gắng giao thật sớm” - anh Hiệp chia sẻ.
Cứ mỗi đơn hàng giao thành công, người giao sẽ nhận được tiền công, ngoài ra chẳng có chế độ gì. Nghề này dù mưa gió hay nắng nóng đều phải cố gắng giao đủ đơn hàng, đói thì “cơm hàng cháo chợ”, mệt thì vào quán cà phê ngả lưng.
Anh Hiệp kể, có trường hợp khách hàng khó tính, không đồng ý nhận khi hàng bị móp vỏ hay có khi phải đi tới đi lui vài lần mới giao được một đơn hàng, đó là chưa kể những trường hợp “bom” hàng, đặt hàng “cho vui” chứ không có ý định nhận hàng. Những đơn như thế, shipper coi như “công cốc”. Có lần anh Hiệp giao đơn hàng nồi chiên không dầu khá cồng kềnh, khách hàng kiểm tra hàng thấy không giống với mô tả sản phẩm thì mắng anh lừa đảo. Anh giải thích mình chỉ là người giao hàng, có thắc mắc khách nên phản ánh đến shop nhưng khách hàng cứ nhằm vào anh mà “trút giận”.
Trên muôn nẻo đường, điều hạnh phúc nhất của người làm nghề giao hàng là nụ cười, sự hài lòng của khách hàng. Chị Lê Thị Mỹ Hạnh (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Tôi vừa đặt mua 3 tô bún bò và 3 ly nước cam, shipper giao rất nhanh. Bún bò tới tay tôi còn nóng hổi vì được đặt trong túi giữ nhiệt. Những người giao hàng hiện nay đa phần là các bạn trẻ, nói năng lễ phép, tạo thiện cảm, hài lòng với người đặt”.
Anh Huỳnh Minh Phi, shipper khu vực phường 3, TP.Tân An, chia sẻ: "Dù công việc vất vả, đối mặt rủi ro vì thường xuyên di chuyển trên đường nhưng nghề này mang đến cho tôi nguồn thu nhập cơ bản. Nghề nào cũng có vui, buồn. Với shipper thì niềm vui và nỗi buồn nhiều khi “từ trên trời rơi xuống” như khách hàng đặt món ăn mà không ghi chú cho quán, đến khi nhận được hàng không như ý thì lại mắng shipper. Tuy nhiên, nghề này cũng mang đến cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, trải nghiệm nhiều vấn đề trong cuộc sống, có lúc gặp khách hàng hài lòng cho thêm tiền boa. Khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ tốt khi nhận hàng làm tôi vui lắm, như vậy thì tôi được nhiều đơn hàng về sau nữa” - anh Phi bộc bạch.
Thu nhập của nghề shipper không cao, trừ các khoản chi phí, còn lại cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Nhiều người theo nghề cho biết, mặc dù thu nhập không quá cao nhưng đây là nghề giúp họ có cuộc sống ổn định trong thời gian chờ cơ hội nghề nghiệp khác phù hợp với chuyên môn. Vả lại, nghề shipper không yêu cầu quá cao, chỉ cần siêng năng là sẽ có thu nhập.
Thời đại công nghệ bùng nổ, thói quen mua sắm của người dân cũng dần thay đổi, nhu cầu mua hàng online khá cao, nhờ đó cũng tạo việc làm ổn định cho shipper. Nghề nào cũng có những khó khăn riêng và với những người giao hàng, mỗi đơn hàng được giao là một niềm vui cho người nhận lẫn người đặt hàng./.
Nguyễn Xuyến