Sếp Trung Quốc gây phẫn nộ vì bảo nhân sự 'để người nhà chết thối rữa'
Một quản lý dự án tại Trung Quốc gây phẫn nộ vì kêu gọi nhân viên đặt công việc lên trên gia đình. Cụ thể, trong một nhóm chat công việc, quản lý họ Pu (Miên Dương, Tứ Xuyên, Trung Quốc) yêu cầu nhân sự tập trung tối đa vào một dự án xây dựng, nói rằng: “Nếu ai đó ở nhà chết, hãy để họ thối rữa đi”.
Đoạn tin nhắn trên nhanh chóng lan truyền, khiếp người này bị cộng đồng mạng đồng loạt chỉ trích vì phong cách lãnh đạo chuyên quyền, vô cảm, đi ngược lại với giá trị đạo đức, theo SCMP.
Câu chuyện cũng hé lộ một phần bức tranh “văn hóa 996” khốc liệt tại Trung Quốc, nơi người lao động phải làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày/tuần, đến mức kiệt sức.
Phát ngôn vô cảm
Trong đoạn tin nhắn bị tiết lộ, đầu tiên Pu gắn thẻ tất cả nhân viên và đặt ra hàng loạt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong một dự án xây dựng.
Người này yêu cầu toàn bộ nhân sự dưới quyền cống hiến hết mình cho công việc. Những kỳ nghỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân sẽ không được xét duyệt.
“Quan điểm cá nhân của tôi là nếu bạn tham gia dự án này, công việc của dự án phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu ai đó chết ở nhà, hãy để họ thối rữa một thời gian.
Hoàn thành dự án là nhiệm vụ quan trọng nhất, các vấn đề cá nhân đều phải xếp sau. Đó chỉ là quan điểm của tôi, tôi tự hỏi rằng liệu mọi người có đồng ý không”, quản lý Pu nhắn.
Ngày 29/10, Văn phòng thông tin Internet Miên Dương nhận thông tin về sự việc trên và bắt tay vào điều tra toàn diện để xác minh vấn đề. Sau đó, họ thông báo với Jimu News rằng dự án trên không thuộc địa bàn Miên Dương.
Theo hãng tin Fujiang Observation, Pu, người đứng đầu dự án, được một công ty tư nhân có trụ sở chính bên ngoài Miên Dương tuyển dụng. Chi tiết về công ty mà Pu làm việc và thông tin cụ thể về dự án xây dựng vẫn chưa rõ ràng.
Lời xin lỗi không được tha thứ
Sau khi tạo ra làn sóng phẫn nộ, Pu chính thức đưa ra lời xin lỗi trên mạng xã hội, thừa nhận rằng những câu nói của mình trong nhóm chat công việc là không phù hợp, đồng thời cam kết sửa chữa sai lầm.
“Những câu nói gần đây của tôi trong nhóm chat là không phù hợp và gây tổn thương đến đồng nghiệp. Tôi rất hối hận và ăn năn. Tôi thành thật xin lỗi từng đồng nghiệp trong nhóm.
Tôi sẽ sửa chữa sai lầm của bản thân thông qua hành động cụ thể. Tôi sẽ đối xử với mọi người một cách chân thành, thể hiện sự tôn trọng khi giao tiếp và chấp nhận sự giám sát trong thời gian tới”, người này viết.
Mặc dù nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi, những lời nói vô cảm và phong cách quản lý chuyên quyền của Pu vẫn không được cộng đồng mạng Trung Quốc tha thứ.
“Những người giống anh ta có mặt ở mọi nơi. Trong vai trò lãnh đạo, họ mất đi nhân tính. Người đàn ông này chỉ bị phanh phui vì lỡ để lại bằng chứng thôi”, một người dùng để lại bình luận.
“Đây không phải câu chuyện của cá nhân mà là vấn đề của xã hội. Lợi ích cá nhân thường phải hy sinh để phục vụ lợi ích của tập thể”, một người khác nói.
Nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc - vốn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 - khiến văn hóa làm việc ngoài giờ tại nước này trở nên ngột ngạt hơn.
Nhân viên ở Trung Quốc làm việc trung bình 48,5 giờ/tuần vào tháng 4, theo dữ liệu công bố ngày 17/5 của Cục Thống kê Quốc gia nước này. Con số này tăng so với 46,2 giờ vào tháng 4/2022.
Linh Vũ