Sáng kiến từ đồng ruộng
Và câu chuyện của nông dân Hoàng Kim Phụng, khu 1, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba - người vừa đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Phú Thọ năm 2024 là minh chứng rõ nét.
Phóng viên: Có vẻ như anh đã trở thành người nổi tiếng bởi khi chúng tôi đến xã Thanh Hà hỏi thăm về “cây sáng chế” Hoàng Kim Phụng thì gần như ai cũng biết, vậy anh có thể chia sẻ về bản thân cũng như công việc của mình?
Anh Hoàng Kim Phụng: Tôi sinh năm 1973, quê gốc ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba. Sau khi học hết phổ thông, lượng sức mình không có khả năng cũng như hoàn cảnh gia đình không cho phép nên tôi không thi lên cao đẳng, đại học mà quyết định ở nhà phụ giúp gia đình làm nông nghiệp. Bố tôi khi đó là lái xe ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc, ở nhà mọi việc đồng áng một tay mẹ tôi lo hết nên anh chị em trong nhà cố gắng lúc còn học thì thu xếp việc học để đỡ mẹ, khi trưởng thành nếu chưa có công việc thì cũng tập trung làm việc đồng áng, chăn nuôi của gia đình.
Lập gia đình, rồi lần lượt có hai người con, tôi có học thêm nghề xây rồi đi làm thợ xây, nay đây mai đó. Được vài năm thấy việc xây không ổn định lại vất vả, lúc đó, xã có chủ trương giao khoán đất nông nghiệp, tôi bàn với vợ nhận giao khoán để trồng lúa và chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình tôi đang cấy khoảng gần 1 mẫu ruộng, ngoài ra tôi có chăn nuôi thêm lợn, gà và ao cá.
Những năm trước đàn lợn cũng duy trì 40-50 con, nhưng một vài năm trở lại đây do tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi cũng thu hẹp đàn lại khoảng 20 con, duy trì đàn gà chọi khoảng 100 con và ao cá cũng túc tắc nuôi vừa phục vụ gia đình vừa phục vụ người dân trong xã. Bây giờ công việc hàng ngày bắt đầu từ 4 rưỡi-5 giờ sáng từ ngoài đồng, rồi về nhà đến lúc xong việc cũng tầm giờ trưa. Một mình xoay quanh hết việc nọ việc kia vì hiện vợ tôi cũng đang đi làm công nhân, cuối tuần mới có thời gian phụ giúp. Nhưng làm nông nghiệp, lấy công làm lãi nên phải cố.
Phóng viên: Đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” tỉnh Phú Thọ năm 2024 với sáng kiến “Máy bừa kết hợp cày rạch lên luống”, anh có thể chia sẻ ý tưởng và quá trình thưc hiện?
Anh Hoàng Kim Phụng: Với những người nông dân như chúng tôi, mọi ý tưởng, mọi sáng kiến đều xuất phát từ chính công việc hàng ngày của bản thân, từ chính trên đồng ruộng của quê hương. Trước đây làm nông nghiệp chủ yếu làm thô sơ dựa vào sức người và sức trâu, bò. Dần dần nhiều công đoạn được cơ giới hóa, góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất.
Gia đình tôi cũng theo xu hướng đó, đầu tiên là sắm máy cày bừa để làm ruộng. Máy bừa khi mua về giúp nông dân đưa máy móc làm sản suất nông nghiệp, giảm về chi phí cũng như sức lao động, nhưng chỉ bừa, tối ưu cho làm đất trồng lúa. Còn đối với hoa màu thì máy bừa chưa giải quyết được, sau khi bừa vẫn phải sử dụng biện pháp thủ công lên luống cày rạch để trồng ngô, trồng sắn... Điều đó khiến tôi suy nghĩ làm sao kết hợp được máy phay đất và cày rạch, lên luống nhằm giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho công đoạn làm đất.
Sau một thời gian nghiên cứu, nhiều lần thử nghiệm cải tạo thiết kế, kết hợp thử nghiệm trên thực tế từng loại đất và các loại cây trồng khác nhau để tạo ra luống rộng, luống hẹp tôi nhận thấy khi máy hoạt động, giàn xới xới đất đến đâu thì bộ đôi lưới vét luống lên luống ngay sau đó, tạo ra luống với kích thước theo mong muốn của người sử dụng.
Phóng viên: Được hiện thực hóa ở trên đồng ruộng và được nhiều người biết đến, sản phẩm của anh đã mang lại hiệu quả như thế nào?
Anh Hoàng Kim Phụng: Sau khi thử nghiệm cho kết quả tốt, tôi bắt đầu ứng dụng trên thửa đất nhà mình. Dần dần nhiều hộ thấy hiệu quả đã ngỏ lời thuê máy. Như bản thân tôi thấy, trước hết việc sử dụng máy bừa kết hợp cày rạch luống giúp người nông dân có thể tận dụng tối đa công suất của máy cũng như giải quyết được khâu lên luống đồng đều theo khuân mẫu từng loại cây trồng. Máy được thiết kế linh hoạt có thể sử dụng ở mọi đồng đất, di chuyển các vị trí khác nhau.
Khi sử dụng máy ép luống và cày rạch thì luống cao gọn, đất không bị văng tỏe, không mất thời gian, công sức phải đi vén luống lại, đất tơi hơn giúp quá trình trồng cây hoặc gieo hạt nhanh hơn, đồng đều hơn. Nếu sử dụng phương pháp thủ công thì 8 giờ cả bừa và lên luống, cày rạch, vén đất được khoảng 1 sào đất, khi sử dụng máy cải tiến vừa bừa kết hợp lên luống cày rạch có thể làm được 10 sào, như vậy sẽ giảm bớt chi phí ngày công cũng như sức lao động. Máy phay đất có nhiều chức năng hơn mà không phải mất chi phí mua các loại máy có giá thành đắt đỏ.
Phóng viên: Là nông dân nhưng lại có niềm đam mê với máy móc, với sự sáng tạo, trong thời gian tới anh có thêm những ý tưởng, dự định như thế nào?
Anh Hoàng Kim Phụng: Để có được sản phẩm hoàn chỉnh đưa vào sử dụng như hiện nay, tôi cũng mất hai năm vừa tự mày mò nghiên cứu, vừa tự chỉnh sửa để làm sao phù hợp và có hiệu quả nhất. Do tính chất công việc của nhà nông gắn bó với với ruộng đồng nên giải pháp tôi đưa ra không chỉ giúp bà con nông dân giảm sức lao động, chi phí sản suất mà còn giúp tiết kiệm được thời gian, đảm vảo sản xuất đúng thời vụ.
Quan trọng hơn nữa, trước đây do việc cày, làm luống để trồng ngô, sắn vụ Đông phụ thuộc hoàn toàn vào sức người, sức trâu bò khiến cho nhiều gia đình bỏ đất không làm đến, nay khi áp dụng máy bừa kết hợp cày rạch luống vừa hiệu quả với chi phí thấp nên gần như tất cả các hộ dân trong xã đều trồng ngô vụ Đông, tận dụng tối đa được nguồn tài nguyên đất, mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế. Đó là cái mà tôi cảm thấy vui nhất khi sản phẩm của mình được ứng dụng và mang lại kết quả tích cực.
Trong thời gian tới, từ nhu cầu của gia đình, cũng như thực tế sản xuất, tôi cũng đã có những ý tưởng mới. Nhưng để phát triển, hiện thực hóa những ý tưởng này, tôi cũng phải đi học tập kinh nghiệm, cũng như tham khảo thông tin, lựa chọn việc kết hợp như thế nào để phù hợp với điều kiện thưc tế của địa phương. Tôi nghĩ càng thêm nhiều sáng kiến, sáng tạo từ đồng ruộng thì người nông dân càng “nhàn” hơn, không phải vất vả “một nắng, hai sương” như ngày xưa.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Thu Hà (thực hiện)